90% linh kiện cho ngành năng lượng tái tạo vẫn đang phải nhập khẩu
(DNTO) - Nguồn cung của các dự án năng lượng tái tạo vẫn từ bên ngoài khiến Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này, là nút thắt trong phát triển năng lượng tái tạo.
Bài toán nội địa hóa
Chia sẻ tại diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu” hôm 17/10, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam, đánh giá Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng. Theo cam kết tại Cop26 cũng như Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có kế hoạch giảm dần công suất nhiệt điện than về 0 trong giai đoạn 2030-2050; năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, 31% vào 2030 và 62% vào 2050.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các tua bin gió vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Khi nhìn vào chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung của các dự án vẫn phải đang nhập khẩu.
Vị chuyên gia lấy ví dụ từ Indonesia, họ đã có những yêu cầu về nội địa hóa trong một số lĩnh vực như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, hoặc có các chính sách khuyến khích hợp tác địa phương trong các dự án năng lượng tái tạo.
Tương tự, Thái Lan có các ưu đãi của chính phủ để thành lập các nhà máy sản xuất linh kiện EV (thiết bị cung cấp điện cho pin của xe điện). Chính vì vậy, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực EV của Thái Lan có tỷ lệ nội địa hóa cao, từ khoảng 50-60%.
Ông Goyal cho biết, việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Với các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ, họ có thể đưa ra các giải pháp năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực mới; phối hợp với các cơ quan nhà nước để có các chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Vì vậy cần phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
“Khi có các dịch vụ mới được phát triển, các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường cũng tạo ra nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu”, ông Goyal nhấn mạnh.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án CASE tại Việt Nam, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, cho rằng tiềm năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành điện gió và điện mặt trời có thể đạt tới 40%.
Việt Nam đã có những lợi thế về chất lượng thiết bị điện, hệ thống điện và dây cáp, và có thể làm tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, ngành cơ khí cần rà soát kỹ lưỡng các cấu phần liên quan đến điện gió và điện mặt trời, và cần có cơ chế chính sách rõ ràng để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận và tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường này.
Tự chủ về công nghệ năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng ít nhất là khu vực Đông Nam Á.
Nhưng để đạt được mục tiêu này thì Việt Nam phải đảm bảo tự chủ công nghệ năng lượng. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà vấn đề an ninh năng lượng.
Cũng theo ông Đăng, chuyển đổi năng lượng cần dựa vào những ưu thế Việt Nam đang có. Các nguồn điện đã làm chủ về công nghệ cần duy trì, không nên thay đổi một cách quá chóng vánh.
“Ví dụ về thủy điện, trong Quy hoạch điện VIII vẫn nói đến vai trò của nguồn điện này. Chưa kể, trong những năm qua, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ thủy điện, tạo ra được nguồn cung dồi dào, điển hình là thủy điện Sơn La. Vì vậy, không nên từ bỏ ngay thủy điện mà cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp”, ông Đăng nhấn mạnh.
Vị này cũng lưu ý chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo gồm 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ. Trong đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khâu tiềm năng, tạo ra lợi nhuận nhất như sản xuất, phân phối, còn lại những khâu như truyền tải, tiêu thụ nên là các doanh nghiệp Nhà nước…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội từ chuyển dịch năng lượng để làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam cho biết các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào trạm và đường dây truyền tải do thiếu các thông tư hướng dẫn cụ thể. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước nắm bắt cơ hội.
“Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia để thu hút vốn đầu tư và tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Song song đó, chính sách giá điện cũng cần linh hoạt hơn. Một cơ chế giá hợp lý không chỉ khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo mà còn tạo động lực cho các nhà đầu tư, từ đó giảm thiểu phát thải”, ông Tuấn kiến nghị.