Bộ Công Thương nói sẽ lựa chọn công nghệ kiểu mới khi phát triển điện hạt nhân
(DNTO) - Nói về đề xuất khởi động lại điện hạt nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết quan điểm phát triển điện hạt nhân thời gian tới là phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0.
Đặt an toàn lên trên hết
Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 23/10, trả lời về vấn đề phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định chủ trương phát triển điện hạt nhân đã được đưa ra từ năm 2009 ở Ninh Thuận, nhưng sau đó tạm dừng. Hiện Chính phủ đã khởi động lại phát triển điện hạt nhân và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu.
Căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại với Chính phủ.
Ông Tân cho biết, sức ép năng lượng tái tạo khiến cho nhu cầu điện nền là rất quan trọng. Chính vì vậy, các nước đều nghiên cứu tăng gấp 2, gấp 3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân. Kinh nghiệm Nhật Bản, Pháp cho thấy tỷ trọng điện hạt nhân phải chiếm 20%-25% sản lượng điện của họ.
Về công nghệ, ông Tân khẳng định, thế giới phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4 và các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
“Quan niệm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ kiểu mới, tiên tiến và đặc biệt là đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Chúng tôi đang nghiên cứu và thấy vài công nghệ phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Để xác định thời điểm khởi động lại dự án điện hạt nhân, Thứ trưởng Tân cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp nghiên cứu sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai.
Chia sẻ thêm, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật, nguồn tài chính…
"Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch 8 để rà soát điều chỉnh…", ông Hùng nhấn mạnh.
Về dự án cụ thể, ông Hùng thông tin, sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ Công Thương mới đưa ra các quy trình tiếp theo.
Sửa đổi Luật Điện lực là yêu cầu cấp thiết
Liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Nguyễn Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện...
Đồng thời, bổ sung 68 điều về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi), năng lượng mới (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về điện lực (trung ương và địa phương) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
“Việc tăng các Điều, Khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.