Cuộc chạy đua mới của Việt Nam và các quốc gia mạnh về khai thác dầu khí
(DNTO) - Nhiều quốc gia đang tích cực thăm dò khai thác hydrogen tự nhiên để làm chủ nguồn năng lượng mới, giành lợi thế dẫn đầu.
Trên thế giới, sản lượng sản xuất hydro năm ngoái đạt 97 triệu tấn, dưới 1% là hydro phát thải thấp, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Hydro phát thải thấp được tạo ra từ nguồn phát thải thấp (như năng lượng mặt trời, tua bin gió hoặc hạt nhân) hoặc được sản xuất từ sinh khối, từ nhiên liệu hóa thạch với công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon.
Hydro được xem là nguồn năng lượng của tương lai, thay thế nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN, cho biết các quốc gia trên thế giới đều đang chạy đua khai thác nguồn nhiên liệu này, nhằm làm chủ nguồn năng lượng mới, góp phần gia tăng vị thế.
Hydro tự nhiên được phát hiện và khai thác ở Mali, châu Phi. Phát hiện gần đây ở Pháp, Albania, Texas, Alaska (Hoa Kỳ) và đang được thăm dò tại Úc, Canada. Chi phí sản xuất ước tính dưới 1USD/kg. Khả năng thương mại cao khi phát hiện mỏ. Tháng 8/2024, Philippines cũng tổ chức đấu thầu thăm dò hydro tự nhiên.
Ở Việt Nam, tháng 2 vừa qua đã công bố Chiến lược phát triển năng lượng Hydro. Theo đó, mục tiêu đến 2030, công suất sản xuất hydro từ việc sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100.000 đến 500.000 tấn mỗi năm. Con số này có thể đạt khoảng 10 đến 20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.
Ông Minh cho rằng Việt Nam có trữ lượng hydro tự nhiên, nên tổ chức thăm dò để tận dụng thế mạnh của ngành dầu khí Việt Nam ở ngoài khơi dọc theo đới tách giãn Biển Đông hoặc các bể trầm tích có các hoạt động magma xâm nhập, núi lửa trẻ. Điển hình như các bể trầm tích Phú Khánh, Cửu Long hay ở trên đất liền là các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc.
“Các doanh nghiệp liên quan dầu khí, lọc dầu, khí đốt nên tham gia đầu tư lĩnh vực hydro xanh này, tránh dàn trải trong quá trình đầu tư năng lượng, tránh phá vỡ quy hoạch. Nếu làm được việc này sẽ cơ hội bán hydro xanh cho doanh nghiệp sản xuất cung ứng trong nước, hay xuất khẩu ra ASEAN và Đông Bắc Á”, ông Minh khuyến nghị.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng thừa nhận sản xuất hydro phát thải thấp hoặc nhiêu liệu tổng hợp phát thải thấp nhìn chung là chưa khả thi về thương mại để có thể phổ biến đại trà. Nguyên nhân là chi phí R&D, công nghệ thiết bị, điện phát thải thấp hay cả lưu trữ và vận chuyển đều rất tốn kém. Trong khi đó, quá trình sản xuất lại tiêu tốn nguồn nước lớn (1kg hydrogen tốn khoảng 9~10 lít nước) nhưng nhu cầu của thị trường còn thấp; các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa được ban hành chính thức. IEA dự kiến đến 2025 hoàn thiện bộ tiêu chuẩn hydro phát thải thấp.
Nhưng theo ông Minh, thách thức cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hydro xanh, các doanh nghiệp dầu khí, hóa chất khi cơ hội được thể hiện trong Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược Hydrogen quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Cụ thể, cuối tháng 9/2024, Ủy ban Châu Âu ra hạn chế đối với EU Hydrogen Bank, máy điện phân xuất xứ Trung Quốc dưới 25% tổng dự án cho vòng đấu giá thứ 2 của EU. Đồng thời, Mỹ và Canada cũng vừa áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thương mại và sản xuất cung ứng thiết bị hydro.
“Có thể nghiên cứu hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ làm thương mại các sản phẩm thiết bị hydro, hay hợp tác công nghệ với EU, Nhật để sản xuất thiết bị hydro xuất đi các thị trường EU, Bắc Mỹ”, ông Minh gợi ý.
Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội cung ứng năng lượng hydrogen cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và Metro nội đô. Đây cũng là xu hướng nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng thành công. Cụ thể, tại Shinkansen Nhật Bản, một đoàn tàu tải 1.300 hành khách chỉ tiêu thụ 0,07 đến 0,08 kWh điện trên mỗi km/hành khách. Họ cũng tính toán lượng hydro phát thải thấp để sản xuất đường ray, toa tàu, đầu máy.
“Việt Nam có cơ hội hợp tác khai thác tàu sử dụng pin nhiên liệu hydro, tính toán nguồn hydro phát thải thấp vận hành các đoàn tàu”, ông Minh cho biết.