Để nền kinh tế Việt Nam có thêm 50 tỷ USD từ hydro sạch
(DNTO) - Hydrogen là nguồn năng lượng sạch được ưu tiên phát triển nhưng lại là lĩnh vực mới, cần rất nhiều cơ chế, chính sách mới.
Nghiên cứu từ Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cho thấy hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40-50.000 việc làm cho các nước trên thế giới.
Hydrogen được xem là nguồn năng lượng sạch để các quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Vì vậy, các quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đang chạy đua để thúc đẩy nguồn năng lượng này.
Mới đây, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam là 1 trong 40 quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt chiến lược này nhằm từng bước thay thế nguyên liệu hoá thạch trong tương lai. Nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, để chiến lược thành công cần có các kế hoạch triển khai cụ thể.
Hiện Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen và xây dựng 17 nhóm nhiệm vụ lớn giao cho các đơn vị cụ thể cho các đơn vị liên quan thực hiện. Hôm 22/2, Bộ này cũng tổ chức hội nghị đầu tiên nhằm bàn giải pháp triển khai Chiến lược năng lượng Hydrogen.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, cho biết ngành điện là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất nên việc chuyển sang nguồn năng lượng có nguồn gốc hydro là vô cùng cần thiết. Định hướng Việt Nam đến năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sinh khối/amoniac. Nhưng khó khăn lớn nhất là giá thành sản xuất, công nghệ để chuyển đổi sang hydro và khí amoniac, còn khá cao. Vì vậy, lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cần tính cả các yếu tố này.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, cho biết nhiều dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Đơn cử, để sản xuất hydro xanh cần điện gió và điện mặt trời. Điện gió đã đóng khung trong quy hoạch điện VIII, còn điện tự sản, tự tiêu ở quy mô lớn vẫn chưa có cơ chế cụ thể…
“Việc đặt mục tiêu đến 2030 sản xuất từ 100.000-500.000 tấn hydro là khó khả thi nếu các quy định chưa được sớm ban hành”, ông Niệm nói.
Vị này kiến nghị nên triển khai thí điểm một số dự án quy mô vừa ở các vùng tiềm năng để có đánh giá thực tế, sau đó sẽ mở rộng quy mô khi công nghệ phát triển và chính sách hoàn thiện. Bởi phát triển thị trường hydro phải phù hợp và đồng bộ với quá trình sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực khác như sản xuất điện, giao thông, công nghiệp…
Là đơn vị triển khai dự án hydrogen xanh đầu tiên tại Trà Vinh, quy mô 1,4 tỷ USD, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions, cho biết tập đoàn này đã có 2 năm nghiên cứu, tham khảo công nghệ trên thế giới và quyết định lựa chọn công nghệ phổ biến nhất là điện phân kiềm.
Hiện dự án hydrogen của tập đoàn đã nhận được nguồn tài chính xanh của các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế. Dự kiến dự án có thể triển khai chính thức vào quý 3 năm nay, hoàn thành xây dựng vào năm 2026 và có sản phẩm đầu tiền vào đầu năm 2027.
Ngoài tiềm năng trong chuyển dịch năng lượng, các dự án hydro xanh còn có tiềm năng bán tín chỉ carbon thông qua sản phẩm amoniac xanh. Tuy nhiên, đại diện The Green Solutions cho biết giá thành sản xuất hydrogen xanh hiện vẫn cao nên các doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ để giảm giá thành, giúp công nghệ phổ biến hơn.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin tập đoàn đang xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi các nhà máy truyền thống sang phối trộn hydro. Nhưng đây là lĩnh vực mới nên cần có các hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, EVN kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện hydro, đảm bảo cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong hệ thống.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện chiến lược năng lượng hydrogen. Vị Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như trong sản xuất để đưa giá hydrogen về mức hợp lý.