Quy mô thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự báo đạt hơn 16 tỷ USD
(DNTO) - Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2022 đưa ra dự báo thương mại điện tử bán lẻ nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong năm nay.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa công bố Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2022, dựa trên kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp và số liệu tổng hợp từ các tổ chức uy tín trên thế giới.
Theo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, do đại Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD.
Theo Sách trắng dự báo, quy mô thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam có thể tăng trưởng 20%, quy mô đạt 16,4 tỷ USD trong năm nay.
Trong đó, số lượng người tiêu dùng trực tuyến năm 2022 có thể đạt từ 57-60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người có thể đạt từ 260-285 USD. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước chiếm 7,2-7,8%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 75%, đều là các con số dự báo tăng so với năm 2021.
Cũng theo Sách trắng, hiện có tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến, trong đó có tới 81% người dùng muốn tải nghiệm mobile money.
Ngoài mua hàng trong nước, trong năm 2021,43% người tiêu dùng mua hàng qua website nước ngoài, tăng trưởng so với con số 36% của năm 2020.
Trong năm ngoái, có tới 82% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ cho mục đích xuất, nhập khẩu. Trong đó 48% doanh nghiệp đánh giá xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử tương đối hiệu quả, 34% doanh nghiệp cho rằng hiệu quả, 7% doanh nghiệp cho biết rất hiệu quả.
Bước sang năm 2022, Nghị định số 85 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực. Theo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.