Phát triển kinh tế số - 'cao tốc' cho Việt Nam bứt phá
(DNTO) - Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số đang là "từ khoá" quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư. Với Việt Nam, đẩy mạnh kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cần có chiến lược gì để thúc đẩy kinh tế số?
Những "rào cản" ghìm nền kinh tế số ở Việt Nam
Hiện nay, kinh tế số Việt Nam phát triển khá mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế…, ước tính mức độ đóng góp của Internet là khoảng 2-3% GDP của Việt Nam và dự báo sẽ tăng đến 40-50% GDP trong tương lai.
Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người; đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của Tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.
Trong hệ sinh thái số ở Việt Nam, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện ở mức 5,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; xuất hiện những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong tiếp cận kinh tế số; những vấn đề về mặt pháp lý, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng; nhận thức, thói quen và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số.
Cụ thể, theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam thường niên do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5/2019 cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu; Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Rõ ràng, nhận thức về kinh tế số, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số còn chậm chạp, chưa đồng đều, thống nhất từ trên xuống dưới, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân là một hạn chế ghìm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.
Cần những giải pháp "trụ cột" để thúc đẩy nền kinh tế số
Cùng bàn về các giải pháp phát triển nền kinh tế số, tại “Diễn đàn trực tuyến: Tài chính số 2021”, ngày 9/9, ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chuyển đổi số là thời cơ để doanh nghiệp tái cấu trúc, đẩy mạnh số hóa để tăng tốc quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Chính nhờ chuyển đổi số mà người ta có thể chuyển được những điều không tưởng thành những điều có thể thực hiện được.
"Tôi vẫn hay nói vui rằng có lẽ Covid-19 chính là "tác giả" của chuyển đổi số, bên cạnh thử thách tệ hại nhưng cũng là cơ hội vô cùng lớn cho sự thay đổi của chúng ta trong việc chuyển nhanh sang nền kinh tế số. Lợi ích mà nhân loại có thể có được từ sự chuyển đổi số với tốc độ rất nhanh trong tương lai còn lớn hơn tác hại mà nó mang lại cho thế giới này. Công nghệ sẽ giúp chúng ta làm được điều đó và sẽ bù đắp lại những thiệt hại bằng việc đẩy nhanh chuyển đổi số để cải cách văn hóa giao tiếp, văn hóa làm việc; thay đổi nền văn minh của nhân loại. Kinh tế số là động lực phát triển lớn nhất của nhân loại trong thời gian tới", ông Lộc cho hay.
Cũng theo ông Lộc, có hai việc cần phải chuẩn bị, đó là về thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.
"Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi thành các doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp khởi nghiệp. Hình thành và vận hành một chính quyền điện tử đủ mạnh, thông suốt, thủ tục hành chính gọn nhẹ", ông Lộc nêu quan điểm.
Về phần mình, ông Nguyễn Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cần xây dựng hệ thống sinh thái tài chính số hoàn chỉnh, công khai minh bạch, làm sao cho mọi đối tượng có phát sinh hoạt động đối với lĩnh vực tài chính được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và chính xác
"Để đạt được điều này, hệ sinh thái tài chính số phải có năng lực xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu tài chính ngân sách công cho nhiều đối tượng theo pháp luật, được tiếp cận nhanh chóng dựa trên môi trường mạng. Những dữ liệu tài chính ngân sách là nguyên liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác để sinh ra những dịch vụ số phù hợp mô hình kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân nhanh nhất, qua đó tối ưu hóa kế hoạch kinh doanh", ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, rất cần thiết tạo môi trường để ươm mầm thử nghiệm, đồng thời phải có đầu tư nguồn lực lớn đủ khả năng, đủ trình độ để tiếp cận và vận hành được
'Năm 2030 chúng tôi kỳ vọng, quyết tâm thông qua ngành Tài chính hiện đại, vững mạnh, dẫn dắt sự phát triển kinh tế số, dựa trên đẩy mạnh giá trị gia tăng của các dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế", ông Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế số đang "gõ cửa", cần tạo ra môi trường kinh doanh có lợi.
Thời gian qua, ngành Tài chính đã ghi nhận những thành công trong cải cách, trong việc ứng dụng tin học hóa và số hóa. Doanh nghiệp, người dân cũng thấy rõ khi Tổng cục Thuế thực hiện chương trình kê khai nộp thuế thông qua hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là khi triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử này lại kết nối được với hệ thống ngân hàng để thực hiện quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, thanh toán tiền của doanh nghiệp.
Điều đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, người dân mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi "xuống tiền".
"Với những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng ngành Tài chính sẽ thực hiện thành công, từng bước đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là thiết lập được nền tài chính mở; hoàn thành được mục tiêu là chuyển đổi số nền tài chính một cách toàn diện đầy đủ vào năm 2030", ông Cường nhận định.
Nêu quan điểm của mình, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng: Nguồn dữ liệu; nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng.
"Quan điểm của tôi khi xây dựng một hạ tầng số cho nền kinh tế thì phải tính toán rằng Việt Nam có đầy đủ hạ tầng về Big data cũng như có những hệ thống tính toán hàng đầu ở khu vực chưa"- ông Hy đặt câu hỏi và nhận định: "Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các trung tâm hạ tầng tính toán phục vụ AI không chỉ cho VNPT phát triển, mà còn rộng rãi hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào công cuộc kỷ nguyên số".