Phát triển kinh tế số - cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp Việt
(DNTO) - Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phát triển kinh tế số là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp Việt.
Tiềm năng phát triển kinh tế số
Tại diễn đàn "Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020-2030", diễn ra hôm nay (5/11), bà Nguyễn Thị Bích Chung, Phó Giám đốc Nghiên cứu định tính Kanta, nhấn mạnh rằng, hậu Covid-19, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến lối sống và quản lý tài chính của người dân trong nước.
Theo khảo sát của Kanta, khi dịch Covid-19 diễn ra, có tới 18% của người Việt có kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ, đồng thời người dân sống trên online nhiều hơn khi có tới 36% người dân đăng ký thêm chương trình trực tuyến để phục vụ cho lối sống online.
Đặc biệt, nhu cầu hành vi tiêu dùng thay đổi rõ rệt với việc 57% người tiêu dùng chi tiền cho các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. "Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới”, bà Huyền cho hay.
Cũng theo bà Huyền, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ, và đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo bà Huyền, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp là nguồn nhân lực có kỹ năng số. Theo dự đoán, năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược, bởi họ còn phải "chạy ăn từng bữa", tuy nhiên 3-5 năm nay tư duy này đã thay đổi.
"Việc thay đổi đầu tiên của các doanh nghiệp là tư duy thương hiệu. Hãy coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh. Thứ hai là tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Mỗi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp đều là điểm tiếp xúc thương hiệu. Tư duy tầm nhìn mới, chiến lược thương hiệu kết hợp truyền thông - hiện đại, phát huy tinh thần thương hiệu Việt", ông Trường nhấn mạnh.
Giải pháp đẩy mạnh thị trường sản phẩm cho doanh nghiệp Việt
Đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền, đại diện Tiki miền Bắc, chia sẻ, hiện nay thương mại điện tử chủ yếu khai thác thị trường thành thị chiếm 20% dân số, nhưng chiếm gần 90% doanh thu. Còn 80% dân số nông thôn chưa tiếp cận được với thương mại điện tử, chủ yếu dùng hàng giả, hàng nhái… những người nghèo nhất đang phải dùng hàng giả.
Vì vậy ông Quyền đưa ra giải pháp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể khai thác khu vực còn rất tiềm năng này, vừa để mang sản phẩm tốt đến người nghèo thu nhập thấp, vừa có một thị trường tiếp cận không quá cạnh tranh.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh bày tỏ, phát triển kinh tế số, mua sắm trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Vài năm gần đây, tốc độ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vào loại nhanh nhất khu vực. Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online. Đối với các doanh nghiệp, đây là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, là cách thức sống còn trong giai đoạn này.
“Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng…”, TS. Võ Trí Thành cho hay.