Những diễn biến trái chiều từ lãi suất và đà tăng của VND vào cuối năm
(DNTO) - Trong bối cảnh lãi suất tiền đồng có xu hướng tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm mạnh tiền ra thị trường với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý III/2024.
Lãi suất huy động diễn biến trái chiều ở các kỳ hạn
Theo biểu lãi suất tiết kiệm của 28 ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường có 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1- 0,7 điểm phần trăm (%) so với cuối tháng 8, bao gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank.... Bên cạnh mức lãi suất thông thường được niêm yết, một số nhà băng có những chính sách lãi suất đặc biệt trong khoảng 7 - 9,5%/năm, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào giá trị tiền gửi.
Thực tế, gần 9 tháng đã qua nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 7%, đang chậm hơn nhiều so với dự báo và còn khá xa mục tiêu cả năm là 15%. Mức lãi được đẩy lên cao hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại nắm giữ tiền đồng, hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất (các ngân hàng vay tiền đồng với lãi suất thấp và chuyển tiền đó thành tiền gửi USD với lãi suất cao).
Ngày 25/9, công bố diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, song đáng chú ý đà tăng chỉ diễn ra ở kỳ hạn ngắn, trong khi đó tiền gửi trung hạn lại có xu hướng giảm
Cụ thể, dữ liệu của NHNN cho thấy, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đứng im tại mức 0,2%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 2,6-3,6%/năm, tăng bình quân 0,2%/năm so với tháng trước.
Tuy nhiên, tại các kỳ hạn từ trên 12 tháng, lãi suất lại vẫn tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, đối với kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, các tổ chức tín dụng đang áp dụng lãi suất cho khách hàng là 5,3-6,1%/năm, thấp hơn 0,1 – 0,2% so với kỳ thống kê ở tháng trước. Trong khi đó, tiền gửi dài hạn (từ trên 24 tháng) có xu hướng đứng im từ đầu năm ở mức khoảng 6,9-7,4%/năm.
Đáng nói, đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp đối với kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, trong tháng 7, các ngân hàng đã giảm khoảng 0,2%/năm đối với kỳ hạn này, còn nếu so với đầu năm, mức giảm đã lên tới 1,5 – 1,7%/năm.
Theo đó, để bổ sung tiền gửi ở những kỳ hạn dài, các chuyên gia dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay để đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 20/9, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 271.832 tỷ đồng, trong đó, riêng các ngân hàng đã chiếm tới 72,4% khối lượng phát hành.
"Dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các ngân hàng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn. "Việc tận dụng đa dạng các kênh huy động vốn giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền, chuẩn bị cho một giai đoạn nước rút những tháng cuối năm, từ đó góp phần tạo đà tăng trưởng chung cho nền kinh tế", VIS Rating nhận định.
Đà tăng thêm của VND khó đạt kỳ vọng như quý III
Sau nhiều ngày khá trầm lắng, NHNN đã thực hiện bơm mạnh tiền ra thị trường trước bối cảnh lãi suất tiền đồng có xu hướng tăng. Cụ thể, phiên giao dịch 24/9, NHNN đã bơm mạnh tiền ra thị trường mở, có 9 thành viên đã trúng thầu hơn 23.046 tỷ đồng. Đây là phiên có khối lượng cao nhất kể từ đầu tháng 9 đến nay. Lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 4%/năm, kỳ hạn 7 ngày.
Trong tuần qua, lãi suất USD liên ngân hàng giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 0,5%. Ngày 20/9, lãi suất USD liên ngân hàng giảm từ 0,43 - 0,47%/năm. Lãi suất qua đêm còn 4,84%/năm, 1 tuần còn 4,89%/năm, 2 tuần còn 4,95%/năm, 1 tháng còn 4,97%/năm… Như vậy, lãi suất USD cao hơn tiền đồng 1 - 1,3%/năm.
Áp lực lên tỷ giá USD/VND bắt đầu giảm dần khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ số DXY gần đây tiếp tục suy yếu, xuống còn 100,8 điểm và giảm hơn 1% giá trị so với đầu tháng 9, kéo theo xu hướng tăng giá của tiền VND tiếp tục được duy trì. Tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường chính thức giảm hơn 1% so với cuối tháng trước.
Ngày 24/9, báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam quý III/2024, Ngân hàng UOB cho rằng, bất chấp tác động từ cơn bão số 3 vừa qua và tỷ giá VND phục hồi đáng kể kể từ tháng 7, NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm nay để hỗ trợ có trọng tâm thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
"Do đó, chúng tôi dự đoán, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, FED công bố cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với NHNN trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự", UOB cho biết.
Đồng thời nhấn mạnh, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2%, đạt 24.630/USD. Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang giảm dần khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.
"Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như trong quý III/2024. Nhìn chung, dự báo USD/VND cập nhật của chúng tôi là 24.500 trong quý IV/2024, 24.300 trong quý I/2025, 24.100 trong quý II/2025 và 23.900 trong quý III/2025", UOB cho biết.