Các kỳ vọng về tác động của động thái giảm lãi suất OMO trên thị trường tiền tệ
(DNTO) - Việc nhà điều hành vừa giảm lãi suất OMO xuống 4%/năm, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới thông qua kênh thị trường mở, cũng như có điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.
Lãi suất OMO về 4%/năm, thấp nhất kể từ tháng 4/2024
Ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định hạ lãi suất thị trường mở (OMO) từ 4,25% xuống còn 4%, giảm 25 điểm cơ bản. Theo dữ liệu từ WiChart, đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất trong vòng hơn 1 tháng qua dù rằng lượng trúng thầu trong phiên hôm qua chỉ đạt được hơn 536 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên cuối tuần qua.
Trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng cho vay lẫn nhau với lãi suất đi xuống. Theo công bố mới đây của NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngày 13/9 kỳ hạn qua đêm giảm thêm 0,1 - 0,4%/năm, một điểm hy hữu là lãi suất 2 tuần thấp hơn kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Cụ thể, lãi suất qua đêm còn 3,47%/năm, 1 tuần còn 4,07%/năm, 2 tuần còn 3,63%/năm, 1 tháng còn 4,44%/năm, 3 tháng còn 4,08%/năm…
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc NHNN tiếp tục giảm lãi suất OMO là một phần trong chính sách tiền tệ linh hoạt, không chỉ hỗ trợ ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, mà còn đóng góp vào việc tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Động thái này của NHNN cũng được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh tỷ giá liên tục lao dốc trong những tuần gần đây khi thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến gần. Đáng chú ý, cũng trong ngày 16/9, NHNN đã mạnh tay giảm tỷ giá trung tâm thêm 35 đồng so với cuối tuần trước, xuống 24.137 đồng/USD.
Gần đây, tỷ giá USD bán ra tại Sở Giao dịch cũng liên tục được điều chỉnh xuống, hiện còn 25.293 đồng/USD. Tỷ giá chợ đen cũng lao dốc và hiện nằm dưới ngưỡng 25.000 đồng/USD. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn gần 1.000 đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD cuối tuần qua giảm xuống mức 24.543 đồng/USD, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. So với hồi cuối tháng 7, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm khoảng 2,8%.
Tỷ giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại đều đã dưới mốc 24.900 đồng/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 700 đồng, tương đương mức giảm 2,7%. Từ đó, thu hẹp mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay còn 1,3%.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, tại Việt Nam, tác động lớn nhất của việc Fed hạ lãi suất là áp lực tỷ giá giảm. Thực tế, thời gian gần đây tỷ giá liên tục hạ nhiệt, ngày càng rời xa mức đỉnh điểm quanh mốc 26.000 đồng/USD, có thời điểm giảm về quanh 25.000 đồng/USD bằng với mức hồi cuối năm ngoái.
"Ngoài lý do đồng USD hạ nhiệt, điều hành tỷ giá ở Việt Nam rất tốt, mức mất giá luôn thấp so với khu vực. Các doanh nghiệp ít khi than phiền về tỷ giá. Theo tôi áp lực tỷ giá trong nước thời gian tới sẽ bớt nóng, tạo thêm dư địa để cơ quan điều hành ổn định mặt bằng lãi suất”, vị chuyên gia nhận định.
Dư địa giảm lãi suất trên kênh thị trường mở?
Sau một loạt động thái mang tính nới lỏng của NHNN và diễn biến giảm sâu của tỷ giá, giới phân tích cũng không loại trừ khả năng nhà điều hành sẽ tăng tỷ giá mua USD để bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối (như giai đoạn cuối năm 2022). Như vậy, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận những dấu hiệu khả quan, thanh khoản được kỳ vọng ổn định và dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trở lại.
“Một quyết định tăng lãi suất hoặc một thông điệp cứng rắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2024 có thể khiến USD suy yếu thêm. Xu hướng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để NHNN thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Tại Tọa đàm Data Talk tháng 9/2024 với chủ đề "Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300", mới đây, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Phú Hưng dự báo, nhiều khả năng NHNN cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất trên kênh thị trường mở, đặc biệt trong bối cảnh cơn bão Yagi vừa đi qua.
Có 4 cơ sở để kỳ vọng vào một kịch bản tích cực như vậy.
Đầu tiên là tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế vẫn đang ở mức rất thấp, do đó còn nhiều dư địa để mở rộng lớn hơn. Theo cập nhật gần nhất từ trang web của NHNN, tổng phương tiện thanh toán đến hết tháng 5/2024 chỉ mới tăng 0,82% so với đầu năm nay. Việc nhà điều hành phải can thiệp tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong tháng 6 có lẽ đã càng thu hẹp mức tăng trưởng khiêm tốn nói trên.
Thứ hai, lạm phát vẫn được "ghìm cương" dưới mục tiêu 4,5%, tạo điều kiện để mở rộng cung tiền và nới lỏng chính sách hơn. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc thị trường vàng đã được bình ổn hiệu quả cũng góp phần giảm bớt áp lực lên lạm phát.
Thứ ba là việc tỷ giá đã hạ nhiệt nhờ nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào và USD Mỹ đi xuống trên thị trường quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành mua ngoại tệ. Việc Fed chắc chắn sẽ giảm lãi suất cơ bản trong cuộc họp vào tháng 9 này, đánh dấu động thái chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, cũng sẽ góp phần củng cố cho định hướng nới lỏng hơn của nhà điều hành.
"Cuối cùng, với dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong những năm qua do phải bán ra can thiệp thị trường ngoại hối, mà một số ước tính cho thấy đã rớt về dưới ngưỡng 12 tuần nhập khẩu, thấp hơn mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là phải từ 12-14 tuần nhập khẩu, nhà điều hành càng có động lực để tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trở lại trong giai đoạn tới", chuyên gia nhận định.