Chuyên gia: 'Mở rộng cung tiền và tín dụng ở mức vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát lõi'
(DNTO) - Tăng cung tiền, vốn khá nhạy với lạm phát lõi. Song, ghi nhận 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,75%. Nhà điều hành đang giữ van cung tiền, và tín dụng phù hợp, cùng với cung cầu ngoại tệ ổn định, góp phần ghìm cương được lạm phát.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ngày 29/7, lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức lạm phát (CPI) bình quân chung (tăng 4,12%).
Đây là mức tăng phù hợp với biến động trên thị trường giá cả hàng hóa, tiền tệ và tác động của kinh tế thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu lạm phát cả năm 2024 từ 4 - 4,5% là có thể song không dễ dàng, nhất là ngay trong tháng này, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng 30%, mức cao nhất trong lịch sử lên 2,34 triệu đồng, đã có tác động nhất định đến CPI.
Trước lo ngại về việc tăng lương tác động đến lạm phát, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ năm 2009 đến ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi CPI tăng khoảng 108%. Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của CPI.
“Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương. Trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân và thị trường đã thích ứng với các lần điều chỉnh lương nên ít xảy ra chuyện tăng giá khi tăng lương mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát”, bà Hương chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính khẳng định việc tăng lương tác động không nhiều lên lạm phát. Bởi lẽ, số người chịu tác động bởi lương cơ sở chỉ chiếm chưa đến 8% tổng số người làm công hưởng lương. Hơn nữa, trong số người được tăng thu nhập nhờ tăng lương cơ sở, chỉ có một phần nhỏ là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Số còn lại là viên chức, người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ 100% về tài chính, thì việc tăng lương cơ sở không có nhiều tác dụng, nếu đơn vị sự nghiệp không tăng được doanh thu, lợi nhuận. Vì thế, việc tăng lương cơ sở tác động khá mờ nhạt đến CPI”, ông Độ nói.
Theo ông Độ, nếu loại bỏ yếu tố tăng viện phí và học phí, thì xét riêng trong quý II vừa qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng - là mức tăng khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.
“Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá học phí, viện phí giảm dần, CPI so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng giảm theo. Theo tính toán nếu trong 6 tháng cuối năm nay, CPI tăng như bình quân 6 tháng đầu năm, thì lạm phát cả năm là 3,6%; nếu tăng như bình quân của quý II thì chỉ còn 3,4%", ông Độ cho hay.
Điều phối, giữ van cung tiền phù hợp
Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng lương và lạm phát giai đoạn 1994 - 2008 (khi lương tối thiểu còn được áp dụng chung cho cả hai khu vực công tư), các chuyên gia chỉ ra điểm khác biệt là tăng trưởng cung tiền (tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế) trước năm 2013 luôn trên 20%, còn 10 năm qua bình quân dưới 15%. Nghịch lý, lượng tiền trong nền kinh tế vọt lên nhưng sản lượng hàng hóa không tăng tương ứng, dẫn đến giá hàng hóa tăng, tạo ra áp lực lạm phát.
"Cung tiền là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát leo thang những năm 2008-2011. Khi đó, nhà nước phải tăng lương để bù đắp đời sống cho người lao động khi sức mua của đồng tiền suy giảm nghiêm trọng vì giá cả leo thang", GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, gốc rễ của các giai đoạn lạm phát cao đều xuất phát từ những sai lầm trong nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ liên tục một thời gian dài. Do đó, giá cả ban đầu có thể tăng sau khi tăng lương do hiệu ứng tâm lý, nhưng nếu sau đó không có các "cú sốc" về vĩ mô như giai đoạn 2008-2011, lạm phát không thể tăng cao.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, nguyên nhân cốt lõi "thúc" lạm phát cao giai đoạn 2007-2011 là một loạt bất ổn về cân đối vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng bình quân lên tới hơn 30%, cá biệt có năm trên 50%. Các gói kích cầu không đạt mục tiêu, chi tiêu công bừa bãi, nhiều doanh nghiệp nhà nước phá sản. Khi một lượng tiền rất lớn được bơm ra nền kinh tế nhưng không hiệu quả, lạm phát là hậu quả tất yếu.
Trong khi đó, việc tăng lương cơ sở cho người lao động các đơn vị hành chính, sự nghiệp sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước đang kết dư chứ không phải in mới, nên không làm xáo trộn cung tiền. Thêm vào đó, hiện nay tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam được kiểm soát với giới hạn cụ thể do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, nên khó có thể làm lạm phát cao đột biến.
"Dùng ngân sách để tăng lương, cung tiền và tín dụng được ghìm cương phù hợp thì sẽ không có lạm phát đột biến như trước", PGS.TS Phạm Thế Anh khẳng định.
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, phân tích ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý, "nắn" tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.
Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng. 6 tháng đầu năm, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ (tăng 8,8%).
"Tăng cung tiền, vốn khá nhạy với lạm phát lõi. Trong khi đó, lạm phát lõi 6 tháng đầu năm chỉ chiếm 2,75%. Với mức tăng trưởng tín dụng, tăng cung tiền nửa đầu năm ở mức vừa phải cũng góp phần giúp chúng ta có thể kiểm soát được", Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, nhận định.