Không chỉ đối mặt với đơn hàng suy giảm, doanh nghiệp còn 'gánh' nhiều khoản chi phí tăng cao
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp phản ánh, lãi suất tăng không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh, mà là câu chuyện của chi phí. Hiện nhiều doanh nghiệp không chỉ đối mặt với tình trạng đơn hàng suy giảm mà còn phải “gánh” nhiều khoản chi phí tăng cao.
57% doanh nghiệp phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng do lạm phát
Đây là nhận định của ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam trong buổi công bố báo cáo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 ngày 16/7 của Tập đoàn UOB. Đây là báo cáo dựa trên khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024 cho thấy 88% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại. Con số này nằm trong nhóm cao nhất trong khu vực, nhưng cũng đồng thời doanh nghiệp cũng có mối quan ngại về lạm phát cao nhất trong số các thị trường.
“Điều này cho thấy mức lạm phát thâm nhập sâu vào kinh doanh vận hành hàng ngày. Doanh nghiệp Việt có tâm lý lạc quan cao nhất trong khu vực nhưng lại đang chuẩn bị phòng thủ cho tương lai”, Chuyên gia UOB cho hay.
Theo báo cáo, có 9/10 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao trong năm 2023. Theo đó, 58% cho biết nguyên nhân chủ yếu vì chi phí hoạt động tăng, 57% chi phí giá nguyên vật liệu, kéo theo đó là 45% cho biết lợi nhuận giảm. Trong đó lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khác hàng (64% chi phí hoạt đồng) và lĩnh vực sản xuất kỹ thuật (75% giá nguyên vật liệu).
Theo phản ảnh từ doanh nghiệp, lãi suất tăng không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh, mà là câu chuyện của chi phí. Theo đó, các lo ngại lần lượt là lạm phát cao (39%), biến động giá cả hàng hóa (34%), phục hồi sau giai đoạn suy thoái (34%) và tăng chi phí vận hành (31%), tiếp theo mới là lãi suất tăng (24%).
Lạm phát cao khiến chi phí cung ứng của gần 50% doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cao trong năm ngoái, trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô.
Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp đã xây dựng một kế hoạch thận trọng hơn, kết hợp giữa các giải pháp ngắn hạn như giảm chi phí và dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1-3 năm tới.
Những lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở khi lạm phát tiếp tục tăng lên liên tục trong những tháng qua, gần chạm mức mục tiêu mà giới quản lý đặt ra là 4,5%. Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số CPI đo lường mức lạm phát quý 2 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 4,08%.
Cần đa dạng các biện pháp hỗ trợ phi lãi suất
Các chuyên gia nhấn mạnh, nửa cuối 2024, Việt Nam cần cẩn trọng với lạm phát, hay nói cách khác, lạm phát là yếu tố cần theo dõi. Mới đây, theo báo cáo khảo sát điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 7/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, mức lạm phát bình quân năm 2024 kỳ vọng ở con số 3,86%, tức cao hơn so con số 3,78% trong cuộc điều tra tháng trước.
Không những lao đao vì chi phí nguyên phụ liệu và cước vận chuyển tăng, mới đây, gửi gắm tâm tư, kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, bày tỏ: Chi phi tuân thủ pháp luật đang quá cao, rất cần Chính phủ có những quyết sách mang tính bước ngoặt, để tạo động lực mới và truyền lửa cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Có lẽ, đây cũng là tâm tư chung của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi mà đòi hỏi về quy chuẩn, chất lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng khắt khe, trong khi cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng trên vai.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng là chính phủ phải tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế trong thời gian dài bằng cách nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ngắn hạn, tăng nguồn cung đối với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ nhiều quốc gia.
Ngoài việc thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích vay để đầu tư và mở rộng, Chính phủ nên tăng cường triển khai các công cụ tài chính để giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh.
“Các biện pháp phi lãi suất hỗ trợ kinh tế nên đa dạng như giảm thuế, phí, các biện pháp kích cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, những cải cách hành chính, pháp luật. Trong đó, các biện pháp tập trung nâng cao năng suất lao động chúng tôi cho rằng sẽ mang tính cốt lõi và bền vững để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định.