Khơi mở vốn trái phiếu với kỳ hạn dài cho các doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất tăng
(DNTO) - Làn sóng tăng lãi suất huy động có thể gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi, khi các trái chủ phải đối diện với áp lực dòng tiền để trả lãi trong 2 quý cuối năm nay. Song, đây cũng có thể là chất xúc tác cho trái phiếu có kỳ hạn dài với lãi suất cố định.
Rủi ro huy động trái phiếu trong bối cảnh lãi suất tăng
Thời gian gần đây, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần như vắng bóng, chỉ một số doanh nghiệp lớn như nhóm Vinhomes, DIC Corp phát hành trái phiếu vào những tháng trước. Một tuần trở lại đây, thị trường trái phiếu ghi nhận một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, huy động vốn trở lại qua kênh này.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land mới đây đã phát hành mã trái phiếu KHGH2429001 với tổng giá trị huy động 250 tỉ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 20/6/2029. Lãi suất cố định 12,5%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của HDBank cộng biên độ 4,5%/năm.
CTCP Đầu tư Nam Long cũng công bố phát hành thành công mã trái phiếu NLGB2429001 với giá trị huy động 550 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 17/6/2029.
Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu tháng 6/2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cho thấy bức tranh chưa mấy sáng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản.
Cụ thể, trong tháng 6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 20.400 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Trong số này không có các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khả năng trả nợ của nhóm này vẫn ở mức yếu. Thị trường tiếp tục ghi nhận thêm 2 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản, nâng tổng số doanh nghiệp chậm trả lên tới 113.
Ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán hiện lên tới 197.100 tỉ đồng, chiếm 19,6% dư nợ trái phiếu của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỉ trọng lớn nhất, khoảng 70% giá trị chậm trả.
Không chỉ gặp khó khăn chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, các doanh nghiệp bất động sản còn đang phải "cạnh tranh" để thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi nhích lên.
Ghi nhận, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước. Với các ngân hàng quốc doanh, lãi suất vẫn đi ngang, tạm thời chưa ảnh hưởng đến chi phí lãi đối với các trái phiếu có lãi suất thả nổi neo theo mức tham chiếu là lãi suất tiết kiệm trung bình của nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank).
Mặc dù vậy, việc thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi. Trái chủ của các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi.
"Xu hướng lãi suất đảo chiều cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay. Bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn", giới chuyên gia dự báo.
Thị trường sẽ chứng kiến những đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn dài
Nhóm phân tích đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng nói chung và phát hành trái phiếu sẽ có sự cải thiện đáng kể trong thời gian nửa cuối năm 2024 nhờ một số yếu tố như tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất nói chung thể hiện qua sự tăng trưởng nhập khẩu nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2024. Chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế và hồi phục của doanh nghiệp, và tín hiệu phục hồi ở một số ngành chủ chốt bao gồm bất động sản nhà ở phân khúc bình dân ở một số địa phương.
Theo dữ liệu được FiinRatings tổng hợp, thị trường sơ cấp trong tháng 5/2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, trong khi nhóm bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước. Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước quy định, cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.
Nhóm trái phiếu ngân hàng có tỷ suất lợi tức dao động từ 5 - 9%, trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng có tỷ suất lợi tức từ 7 - 13%. Trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước kia và dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Dữ liệu cũng cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục ở mức cao vào quý 3 và quý 4/2024, với ngành bất động sản chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải xin giãn hoãn thanh toán nợ và điều chỉnh kế hoạch mua lại.
"Với xu hướng này và các dự báo lãi suất huy động vẫn tiếp tục nhích tăng trong thời gian còn lại của năm 2024, có khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến những đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm phục vụ mục tiêu mượn vốn nợ dài hạn của các tổ chức", ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng, FiinRatings nhận định.
Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á vừa được công bố bởi Ngân hàng Phát triển châu Á, (ADB) cho thấy, thực tế, không chỉ thị trường Việt Nam mới gặp áp lực trong bối cảnh lãi suất neo cao, lãi suất trái phiếu tại Đông Á mới nổi tăng trong bối cảnh các kỳ vọng ngày càng được củng cố về việc lãi suất sẽ tiếp tục được neo cao trong thời gian dài hơn.
Theo ghi nhận của ADB, dòng vốn trái phiếu đã rời bỏ các thị trường khu vực lên tới 20 tỷ USD trong tháng 3 và tháng 4. Giảm phát chậm hơn kỳ vọng đã củng cố khả năng lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn và thúc đẩy lãi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn tại cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường khu vực.
Đáng chú ý, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng phủ bóng lên các thị trường trái phiếu bền vững tại khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), dẫn tới sự sụt giảm trong hoạt động phát hành trái phiều bền vững trong quý 1/2024, đạt 805,9 tỷ USD vào cuối tháng 3.