Duy trì triển vọng tích cực đối với đồng VND trong những tháng cuối năm 2024
(DNTO) - Theo nhiều chuyên gia, việc Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, áp lực tỷ giá giữa VND và USD sẽ bớt căng thẳng hơn, từ đó NHNN có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Việc hạ lãi suất còn tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu, thị trường chứng khoán...
Đã có thời điểm, VND phải điều chỉnh tăng tới gần 5% trước USD, lên mức 25.450 đồng/USD. Nhưng sau động thái giảm 0,5%/năm lãi suất của Fed, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã giảm về quanh mốc 24.500 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm chỉ còn là 24.148 đồng/USD.
Theo nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tỷ giá VND/USD được kỳ vọng hạ nhiệt dần và có thể giảm so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nên để hỗ trợ xuất khẩu, các nhà điều hành sẽ không để tỷ giá VND/USD giảm sâu và giảm quá lâu.
Dự báo, tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm nhưng sẽ phục hồi sau đó. Với việc “hạ nhiệt” tỷ giá, thị trường tiền tệ ổn định hơn, cơ quan chức năng sẽ có nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, việc Fed giảm lãi suất sẽ là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
Còn theo phân tích của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường - Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect, đồng VND đã tăng giá mạnh với sự suy yếu của đồng USD. Sau khi giảm xuống ngưỡng quan trọng 25.000 VND vào ngày 19/8, tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm mạnh, xuống dưới mốc 24.600 VND vào ngày 11/9. Như vậy, toàn bộ mức tăng của tỷ giá USD/VND kể từ đầu tháng 4 (khi tỷ giá bắt đầu căng thẳng) đã bị xóa bỏ.
Sự tăng giá mạnh gần đây của VND chủ yếu được thúc đẩy bởi sự suy yếu đáng kể của chỉ số DXY, do lạm phát Mỹ vẫn trên đà giảm, số liệu việc làm tháng 8 thấp hơn kỳ vọng và lập trường ôn hòa của Chủ tịch Fed Powell tại hội nghị Jackson Hole. Việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt đáng kể sẽ giúp NHNN có thêm dư địa điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm hạ lãi suất liên ngân hàng và tăng thanh khoản trong hệ thống (sẽ được phân tích dưới đây).
“Nhìn chung, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với đồng VND trong những tháng còn lại của năm 2024, được hỗ trợ bởi việc Fed thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành thúc đẩy sự suy yếu của DXY, cũng như thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng (đạt 18,6 tỷ USD trong 8 tháng của năm 2024), dòng vốn FDI khả quan (tăng 8,0% so với cùng kỳ trong 8 tháng của năm 2024), và dòng kiều hối dự báo tích cực trong quý 4 năm nay. Việc chỉ số DXY giảm mạnh thời gian gần đây không chỉ giúp hạ nhiệt tỷ giá USD/VND, mà còn hỗ trợ tỷ giá các đồng tiền khác trong khu vực”, ông Hinh nhận định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm, về cơ bản tỷ giá USD/VND sẽ ổn định. Đây là một trong những nhân tố mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao.
Theo ông Nghĩa, có hai yếu tố bên ngoài tác động rất mạnh đến thị trường ngoại hối Việt Nam: Một là, lạm phát toàn cầu giảm, vì vậy, giá hàng nhập khẩu có xu hướng giảm, ngoại trừ chi phí vận tải (vận chuyển hàng hoá qua vùng Vịnh khó khăn do xung đột Israel – Palestine); hai là, USD giảm giá. Hai yếu tố này đã làm giảm áp lực về tỷ giá hối đoái đối với VND và cũng làm giảm áp lực cho lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, thông qua giá hàng hoá nguyên vật liệu nhập khẩu.
Một yếu tố nội tại của Việt Nam cũng tác động đến tỷ giá hối đoái đó là lãi suất. Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong vài tháng gần đây đã giảm. Lãi suất OMO từ 4,5%/năm đã giảm xuống 4,25%/năm và hiện đang ở mức 4%/năm. Tuy nhiên, lãi suất thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là lãi suất qua đêm vẫn ở mức cao, trên dưới 4%/năm. Lãi suất trên thị trường 1, đặc biệt lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng nhẹ. Điều này cho thấy về căn bản, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn theo hướng linh hoạt và kiểm soát lạm phát.
"Với chính sách tiền tệ như trên, cộng với các yếu tố bên ngoài đã phân tích, chúng ta có thể dự báo tỷ giá hối đoái của Việt Nam từ nay đến cuối năm về cơ bản ổn định. Thậm chí, VND có thể tăng giá nhẹ so với đầu năm. Đây là một trong những nhân tố mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao, kể cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp", vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra thì một sự kiện bất ngờ có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng rất khó dự báo. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.