Giá USD mất mốc 25.000 đồng/USD, thấp nhất nửa năm qua và phản ứng của tỷ giá
(DNTO) - Sau giai đoạn nổi sóng, giá USD tại các ngân hàng hiện "bốc hơi" 870 đồng, tương ứng giảm 3,3%, khi thủng mốc 25.000 đồng/USD. Có ngân hàng hạ tới 260 đồng ở chiều mua, về mức thấp nhất gần 6 tháng. Đây là điểm sáng trên thị trường tiền tệ góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá.
Giá USD "bốc hơi" 870 đồng, tương ứng giảm 3,3%
Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 150 triệu USD. Theo thông báo, số ngoại tệ này sẽ thanh toán dự kiến vào ngày mai (10/9).
Ước tính theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 9/2024 vừa được KBNN công bố (1 USD đổi 24.248 đồng), nguồn VND cung ứng thêm vào hệ thống ngân hàng là gần 3.640 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 21/5, KBNN cũng chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa 100 triệu USD. Như vậy, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm, KBNN thông báo mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
Theo quy định, KBNN triển khai việc mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ của ngân sách Nhà nước. Động thái này sẽ làm tăng thanh khoản tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng nói chung và nền kinh tế nói riêng.
Đáng chú ý, dù KBNN thực hiện mua ngoại tệ khối lượng lớn nhưng giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục giảm sâu, có nhiều phiên giảm tới hơn 100 đồng. Ngày 27/8, giá USD tại một số ngân hàng "thủng mốc" 25.000 đồng/USD. Tiếp đó, chiều 6/9, Vietcombank giảm mạnh 150 đồng mỗi USD, giá mua vào xuống còn 24.550 - 24.580 đồng, bán ra còn 24.770 đồng; ACB giảm giá USD thêm 130 đồng, nâng mức giảm trong 2 ngày qua lên 250 đồng, xuống 24.430 – 24.450 đồng chiều mua vào, bán ra 24.770 đồng... Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm mạnh 170 đồng xuống 25.050 đồng chiều mua vào, bán ra 25.130 đồng.
Như vậy, so với đầu năm, giá USD hiện nay tại các ngân hàng chỉ còn tăng 500 đồng, tương đương 2%. Trong khi hồi tháng 5, các ngân hàng thương mại tăng giá ngoại tệ lên gần 5% so với đầu năm. Còn đồng bạc xanh trên thị trường tự do có mức trượt giảm mạnh hơn. Sau khi đạt đỉnh hồi tháng 6, lên 26.060 đồng/USD, giá đô la Mỹ tự do hiện "bốc hơi" 870 đồng, tương ứng giảm 3,3%.
Lý giải diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong thời gian qua, giới phân tích cho biết, có cả yếu tố bên trong và bên ngoài tác động lên tỷ giá. Về tác động bên ngoài, đó là sự suy giảm của đồng USD trước kỳ vọng Fed giảm lãi suất lần đầu vào giữa tháng 9/2024. Điều này sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất USD-VND, một trong những nguyên nhân chính khiến VND mất giá so với đồng USD thời gian trước đó. Mức cắt giảm dự kiến sẽ khoảng 0,25 đến 0,5 điểm % trong tháng 9 và khoảng 1 điểm % cho cả năm nay.
"Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại lớn và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng đạt kỷ lục hơn 15,5 tỷ USD, cùng du lịch phục hồi mạnh mẽ đã hỗ trợ niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá", TS Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay.
Tỷ giá sẽ tiếp tục hạ nhiệt, có lợi cho nền kinh tế
Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết xu hướng tăng giá của tiền đồng tiếp diễn trong tháng qua nhờ đồng USD giảm mạnh. DXY có thể lùi về vùng 98-99 điểm vào cuối quý III thì khả năng thì tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
Mới đây, trong phần trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn về tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt, sẽ rộng cửa để thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay. Trên thực tế, tỷ giá hạ nhiệt đã tạo điều kiện cho nhà điều hành giảm dần lãi suất OMO từ 4,5% xuống còn 4,2%.
"Lợi kép" từ tỷ giá giảm còn giúp cho nhiều doanh nghiệp vơi bớt áp lực tài chính từ khoản chênh lệch. Các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu hay các nhóm có nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, ô tô… sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tỷ giá hạ nhiệt. Cùng với đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn vì chênh lệch lãi suất ít đi, tỷ giá ổn định tạo tâm lý yên tâm cho giới đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên chủ quan, bởi bên cạnh những tín hiệu tích cực thì trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra, chỉ một sự kiện bất ngờ có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng rất khó dự báo...