Diễn biến của cán cân thanh toán, tỷ giá và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến lãi suất
(DNTO) - Dự báo huy động vốn có thể tăng hơn 10% và tín dụng tăng 14,1% trong năm nay. Mức chênh lệch này cùng với sự kiểm soát cung tiền sẽ thúc lãi suất tăng. Nếu như tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh, thì lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới trong quý 3/2024 và sau đó mới ổn định trở lại.
Khoảng cách chênh lệch huy động và tín dụng tiếp tục mở rộng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm cuối quý 2/2024, huy động vốn của các TCTD tăng 1,5% so với cuối năm 2023, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là 4,45%. Nếu xét theo số tuyệt đối, tiền gửi khách hàng của các TCTD ước tăng thêm chỉ hơn 200.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng tăng ròng đến hơn 600.000 tỉ đồng, gấp 3 lần mức tăng của tiền gửi.
So sánh tương quan với thời điểm cuối quý 1/2024, số dư tiền gửi giảm hơn 71.000 tỷ đồng còn dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 192.000 tỷ đồng, chênh lệch chỉ ở mức 263.000 tỉ đồng. Đến cuối quý 2/2024, chênh lệch giữa hai biến số này mở rộng, lên tới 400.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, đánh giá chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng mở rộng, hệ quả đầu tiên có thể thấy rõ là xu hướng đi lên trở lại của lãi suất. Từ đầu quý 2/2024 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khiến mặt trận huy động vốn trở nên khốc liệt trở lại.
Tính đến ngày 9/8, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm. So với cuối quý 1, mặt bằng lãi suất niêm yết bình quân của các ngân hàng đã tăng 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng; tăng gần 0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-12 tháng và tăng 0,25 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Không chỉ trên thị trường 1, lãi suất trên thị trường 2 cũng duy trì ở mức cao, còn lãi suất đấu thầu tín phiếu và lãi suất OMO cũng được nhà điều hành liên tục nâng lên. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng động thái giảm kỳ hạn và tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước gần đây là nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Hệ quả thứ hai là việc nguồn vốn huy động đầu vào tăng trưởng trì trệ sẽ khiến các ngân hàng khó đẩy mạnh tín dụng đầu ra, vì vướng phải các tỷ lệ an toàn. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của nhóm ngân hàng đến quý 2 đều đã ở mức trên 82%, gần với ngưỡng tối đa quy định là 85%. Theo đó, dư địa nguồn vốn để có thể cho vay thêm hiện không còn nhiều.
Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống cũng gần với ngưỡng quy định 30%. Điểm đáng chú ý là trong khi tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước chỉ ở mức 23,6%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn đang ở mức khá cao trên 40%. Điều này đòi hỏi những ngân hàng đang vi phạm tỷ lệ này phải tăng cường nguồn huy động trung và dài hạn nhiều hơn nữa trước khi nghĩ đến việc cho vay.
Áp lực lãi suất thị trường 2 sẽ còn cao trong quí 3/2024
Trong buổi toạ đàm mới đây, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định, việc kiểm soát cung tiền cũng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất, trong đó yếu tố này đang bị chi phối bởi cán cân thanh toán tổng thể, việc kiểm soát tỷ giá và lạm phát trong năm nay. Với cán cân thanh toán tổng thể thì hoạt động thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối và vay trả nợ nước ngoài chiếm tỷ trọng chính trong cán cân thanh toán tổng thể hàng năm của Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quý 2/2024, thặng dư thương mại đạt hơn 3,8 tỷ USD, thấp hơn so với mức 7,8 tỷ USD trong quý 1/2024. Trong khi đó, hoạt động thu hút vốn FDI trong quý 2/2024 đạt hơn 9 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 6,2 tỷ USD vốn giải ngân, cao hơn so với mức tương ứng 6,2 tỷ USD và 4,2 tỷ USD trong quý 1/2024. Do đó, mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng áp lực thâm hụt lên cán cân tổng thể vẫn là hiện hữu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, NHNN cũng cần tính là lạm phát đang gia tăng trong nửa đầu năm nay, vì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc điều tiết lượng cung tiền ra nền kinh tế. CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2024 khoảng 4,08% và là mức cao trong nhiều năm, mặc dù vẫn còn dưới mục tiêu đề ra trong năm nay là 4,5%. Nếu CPI tiếp tục tăng, NHNN buộc phải kiểm soát chặt hơn vấn đề cung tiền và điều đó sẽ ảnh hưởng tới lãi suất.
Đồng thời dự báo, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ còn cao trong quý 3/2024 cho đến khi Fed bắt đầu có hành động giảm lãi suất. Khi tỷ giá bớt căng thẳng, NHNN sẽ dần hạn chế kiểm soát cung tiền và áp lực lên lãi suất qua đó sẽ giảm dần.
"Các điều kiện hiện tại đều chưa hỗ trợ để NHNN mở rộng cung tiền, do đó áp lực lên lãi suất thị trường 2 sẽ còn cao trong quý 3/2024, qua đó sẽ ảnh hưởng lên xu hướng lãi suất. Nếu như tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh thực chất thì lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới trong quý 3/2024 và sau đó mới ổn định trở lại", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định.