VND mất giá 4,4% và động thái điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước
(DNTO) - Từ đầu năm đến nay, VND mất giá 4,4% so với đồng USD, nhà điều hành cho rằng điều này là hợp lý vì không thể "căng cứng", cố định tỷ giá trong bối cảnh như hiện nay, phải hài hòa với các vấn đề xuất khẩu, lãi suất, kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ.
Từ đầu năm đến nay, giá USD đã tăng hơn 4%. Năm 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), duy trì lãi suất cao và kéo dài ngoài dự kiến. Diễn biến của tỷ giá nửa cuối năm được dự đoán là sẽ bớt căng thẳng hơn nửa đầu năm. Tỷ giá đang được hỗ trợ bởi nguồn cung kiều hối dồi dào, xuất khẩu được cải thiện và kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
Dù vậy, cho đến khi Fed chính thức hạ lãi suất, VND được dự báo sẽ tiếp tục mất giá. Theo các chuyên gia, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang “gồng” cả về tỷ giá và lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng dự báo vẫn sẽ duy trì quanh ngưỡng 4-5%. Tỷ giá hối đoái VND/USD sẽ sớm đạt đỉnh trong quý 3/2024 và sau đó sẽ hạ nhiệt.
"Lạm phát đã tăng cao ngoài dự kiến khiến Fed phải phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất dài hơi hơn. Việc cắt giảm lãi suất chỉ được kỳ vọng khi họ tin tưởng hơn rằng lạm phát đang chậm lại ở mức 2%. Trong bối cảnh đó, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên và dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam", ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định.
Chia sẻ thêm về sự mất giá của VND từ đầu năm đến nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng: Việc lãi suất USD neo ở mức "nóng" trên 5% gây áp lực mất giá lên lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. Khi lãi suất USD ở mức cao, thị trường sẽ luôn có sự dịch chuyển dòng vốn ngược lại Mỹ để đầu tư vào các tài sản USD như tiền gửi USD, chứng khoán niêm yết tại Mỹ, giấy tờ có giá…
"Ngoài những bất lợi bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Dự báo USD/VNĐ cập nhật của UOB là 25.600 trong quý 2/2024, 25.100 trong quý 3/2024, 24.800 trong quý 4/2024 và 24.600 trong quý 1/ 2025", ông Đinh Đức Quang nhận định.
'VND mất giá ở mức hợp lý, không chỉ dựa vào quỹ dự trữ ngoại hối'
Tại buổi họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ngày 23/7, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, trong thời gian qua lãi suất được điều hành linh hoạt, lãi suất điều hành được duy trì ổn định, lượng cung tiền ra nền kinh tế được đảm bảo.
"Mức mất giá của VND giai đoạn 6 tháng đầu năm duy trì khoảng 4,4% là mức hợp lý, trong khi nhiều nước đang ở ngưỡng 7-11%. Chúng ta không thể "căng cứng" hay cố định tỷ giá trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động”, Phó thống đốc chia sẻ.
Ông Tú phân tích: Giá trị nhập khẩu của Việt Nam lên đến 178 tỷ USD và cần lượng ngoại tệ rất lớn, vì vậy, giải pháp trung hòa để tạo điều kiện cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu là vấn đề cốt lõi. Đặc biệt là giải quyết được sự đồng bộ giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất, đảm bảo kiểm soát lạm phát trên cơ sở điều hành tỷ giá, đảm bảo cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Thực tế, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp cần thiết, như động thái bán ngoại tệ từ ngày 19/4 để hạ nhiệt cơn sốt giá USD, tạo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, đảm bảo tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tính chuỗi dài nhiều năm liên tục, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể. So với cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần.
Đáng chú ý, NHNN vẫn đang thực hiện các nghiệp vụ để điều tiết, "bơm chỗ thiếu, hút chỗ thừa" với VND (mỗi ngày NHNN có 2 phiên vừa bơm vừa hút tiền). Với khả năng sử dụng công cụ chính sách tiền tệ ngày càng nhịp nhàng, tỷ giá và lãi suất sẽ trong mức kiểm soát. Điều đáng mừng là từ tháng 4/2024 đến nay, đà tăng tỷ giá đã chậm lại.
"Chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm sẽ rất uyển chuyển, linh hoạt, kịp thời. Dù Fed tăng hay giảm lãi suất thì chúng ta vẫn có những chính sách để hoá giải các tác động, ảnh hưởng từ Fed. Không phải chỉ dựa vào quỹ dự trữ ngoại hối. Từ đó tạo sự ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam", Phó Thống đốc cho hay.