Nhận diện nguyên nhân khiến sức hấp dẫn của đồng USD trong hệ thống dự trữ ngoại hối đang giảm dần
(DNTO) - Chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống "đô la hóa" trong nền kinh tế, từ mức 11,06% năm 2014 giảm còn 6,05% vào 6/2024. Để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, cần tiếp tục giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ đồng đô la trong tương lai.
Dữ liệu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cơ cấu tiền tệ trong dự trữ ngoại hối đã cho thấy sự xuống dốc của tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và chính phủ. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ “đô la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh với lượng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024.
Từ năm 2016 đến nay, NHNN mua ròng khoảng 48,2 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối, trong đó tính riêng từ 2016 đến 2021, NHNN mua ròng khoảng 71 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng. Lạm phát được kiểm soát giảm mạnh từ hai con số xuống một con số và duy trì ở mức thấp, nâng tầm giá trị đồng Việt Nam và chuyển hóa nguồn lực USD trong dân thành nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.
Để có thể ghìm cương sức hấp dẫn của đồng USD, nhà điều hành đã kiên định triển khai trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và tỷ giá, bằng việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD 1%/năm đối với tổ chức vào năm 2010 và 3%/năm đối với cá nhân năm 2011 và điều chỉnh giảm dần về mức 0%/năm từ cuối năm 2015.
Cùng với đó, chống đô la hóa từng bước chuyển dịch quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nâng cao vị thế đồng Việt Nam. Nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% đến tháng 6/2024.
Tạo điều kiện để tiền gửi VND sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn
Tại cuộc họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng USD, mới đây, các chuyên gia đánh giá cao chính sách lãi suất 0% với tiền gửi bằng USD của NHNN, coi đây là trụ cột hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã chuyển sang một vị thế mới.
"Kiến nghị NHNN cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách này trong thời gian tới, bởi trong ngắn hạn, nếu thay đổi lãi suất USD thì thị trường sẽ nhìn nhận như một giải pháp tình thế, sẽ có tác động tiêu cực", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành đề xuất.
Ông Thành phân tích: Chúng ta nhìn vào chính sách tiền tệ của FED, mặc dù lãi suất USD cao trên 5% nhưng trung hạn, FED kiên định kiểm soát lãi suất khoảng 2%, lãi suất đồng đô la liên ngân hàng trên thị trường Mỹ sẽ ở mức khoảng 2,25%-2,3%. Nếu thế, chúng ta có thể duy trì trung hạn lãi suất tiền gửi đô la 0%.
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, nếu NHNN vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá VND/USD, nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần, người dân và doanh nghiệp sẽ nắm giữ VND nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các ngân hàng thương mại, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND.
"Khi lãi suất cho vay VND giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VND sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo. Hơn nữa, với lãi suất USD thấp, doanh nghiệp có điều kiện vay ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn", vị chuyên gia nêu quan điểm.