Nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu 3.96 tỷ USD
(DNTO) - Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 8 ghi nhận hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, tạo thặng dư trong cán cân thương mại. Tính chung 8 tháng năm, thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 3,96 tỷ USD.
30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Cụ thể, Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 22,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.
Trong 8 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.
Để trợ lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương chú trọng triển khai các FTA thế hệ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định này.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Mặt khác, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển để giảm sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.