'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp Việt chật vật khi bị thị trường xuất khẩu hàng đầu quay lưng
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp phản ánh, chi phí đầu vào tăng cao cùng với nhu cầu tại nhiều thị trường lớn như châu Âu và Mỹ – nơi nhập hàng chính của Việt Nam bước sang đầu tháng 8 đột ngột giảm sút, khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với bức tranh u ám.
"Thắng lớn" ở 2 quý đầu năm với đơn hàng dồi dào, song sang giữa quý 3, tình thế gần như đảo ngược, nhiều doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày và đồ gỗ... đang đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, xuất khẩu gặp khó vào các thị trường chủ đạo như Mỹ, châu Âu...
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, doanh nghiệp dệt may, da giày cũng sớm đánh mất niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi thị trường quý 3, quý 4/2022 đột ngột xấu đi.
Lo lắng việc đồng euro giảm giá so với USD đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn, và nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhu cầu nhập hàng yếu đi sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.
“Trước đây, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ 1 đến 2 quý, nhưng với những biến động thị trường, giờ chỉ nhận được đơn đặt hàng trước 2 - 3 tháng. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của Việt Thắng Jeans giảm gần 20%", ông Việt cho hay.
Buộc phải cho lao động nghỉ luân phiên trong thời gian qua vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, đại diện Công ty gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết khoảng 2 - 3 tháng qua, thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Úc đã bắt đầu giảm mua hàng, và từ đó đến nay giảm liên tục. Không chỉ giảm mua đối với sản phẩm giá trị cao như giường, tủ, ngay cả hàng giá rẻ như ghế, đồ mỹ nghệ..., cũng chung số phận.
"Thị trường Mỹ, châu Âu chiếm hơn 90% lượng hàng xuất khẩu của đơn vị nên hoạt động sản xuất đang phải ăn đong xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu. Các tháng 8, 9, 10, đơn hàng giảm 30% so với cùng kỳ những năm trước", vị này than.
Theo kết quả cuộc khảo sát hai tuần vừa qua của Viforest với 52 doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu hiện tại giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp có mức doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng không cao (11%).
Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Để ứng phó trước bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cho biết họ đang chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt. Trước mắt, các doanh nghiệp tập trung giải pháp quản trị chi phí, quản trị năng suất, linh hoạt trong quá trình hoạt động, tổ chức sản xuất khi có đơn hàng gấp, giao hạn đúng hàng. Lúc không có đơn hàng, bố trí cho người lao động nghỉ bù.
“Chúng tôi luôn cân bằng cho các thị trường lớn, cố gắng tìm kiếm khách hàng mới, thay vì làm sản lượng lớn thì làm trình độ cao hơn, giá trị cao hơn, phân khúc cao hơn, mang tính thời trang hơn. Với mục tiêu này, chúng tôi có thể sắp xếp các đơn hàng tốt hơn”, ông Việt nói.
Ngoài ra, tình trạng kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhưng giá trị gia tăng thấp cũng là vấn đề nan giải của dệt may. Do đó, để cải thiện tình hình, ngành này cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nêu thực trạng hiện nay, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất đi thị trường quen thuộc mà bỏ qua châu Á, trong nước - những nơi ít bị lạm phát hơn.
"Do đó dư địa mở rộng thị trường tại các khu vực này còn lớn, cần sớm cải thiện. Song song đó cần sản xuất nhiều những sản phẩm bình dân hơn để phù hợp với thị hiếu khách hàng trong giai đoạn khó khăn", ông Việt Anh nhận định.
Thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Mỹ suy thoái chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ ở mức từ 3-3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu và nhiều bất ổn, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nửa cuối năm.
"Dự kiến với khủng hoảng thiếu đơn hàng hiện nay, khả năng doanh nghiệp vẫn còn chịu tác động tiêu cực trong 6 - 18 tháng tới", ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho hay.
Theo đó, nguyện vọng của các doanh nghiệp hiện nay là ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp..., đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất, kinh doanh.
"Ngoài giãn nợ và giảm lãi suất, Nhà nước nên nhanh chóng hoàn thuế VAT, giảm hoặc giãn đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đồng thời, cần thiết, phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) kiến nghị.
Đồng thời, Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế, phí, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm nhà cung cấp tránh đứt gãy nguồn cung, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán hàng trong nước. Cần đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.