Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ‘thắng thế’ tại thị trường Ba Lan
(DNTO) - Do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10-15% so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nước đối thủ cạnh tranh …, nên hàng Việt Nam vào EU nói chung và Ba Lan nói riêng có sức cạnh tranh đáng kể.
Thông tin tại Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan hôm 27/5, ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, cho biết, Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều…
Đặc biệt, gạo Việt Nam, nhất là gạo ST24 và ST25 đang có lợi thế cạnh tranh so với gạo Thái Lan, cả về chất lượng và giá khi giá CIF của gạo ST24 và ST25 tới tới các nước châu Âu đang thấp hơn 2-3% so với gạo Thái Lan, kể cả tính thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện lượng gạo Việt Nam vào EU chỉ chiếm 6%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Campuchia cao. So với với nhu cầu nhập khẩu bình quân là 2,3 triệu tấn/năm của các nước EU và Vương quốc Anh, hạn ngạch 80.000 tấn vào EU của Việt Nam theo cam kết EVFTA là một khối lượng rất nhỏ. Do đó, gạo Việt vẫn còn nhiều dư địa để tấn công thị trường này.
Ngoài mặt hàng gạo, các sản phẩm như hạt điều chế biến sâu, các loại nước cô đặc của xoài, dứa, chanh leo cũng đang có nhu cầu lớn tại thị trường Ba Lan…, trong khi các doanh nghiệp nước này không đủ năng lực cung cấp cho thị trường. Do đó, thị trường Ba Lan còn rất nhiều “cửa” để các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đi vào.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay, sự trợ lực từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU (EVFTA) mà Ba Lan sẽ tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng.
“Do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10-15% so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và một số nước châu Á khác như Campuchia, Myanmar, Bangladesh…, nên hàng Việt Nam vào EU nói chung và Ba Lan nói riêng có sức cạnh tranh đáng kể”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 10 của EU, chiếm khoảng 1,8% thị phần. Để tiếp tục tận dụng lợi thế từ EVFTA trong thúc đẩy thương mại với các nước EU, thời gian qua, các bộ, ngành Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về những cam kết trong hiệp định và yêu cầu của thị trường. Từ đó, giúp doanh có thể đáp ứng được tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các hàng rào kỹ thuật của EU.