Nghị quyết 43: Định hướng 'nắn' lại dòng tiền chi đầu tư hỗ trợ
(DNTO) - Bài toán hỗ trợ kinh tế thực chất là làm thế nào để sử dụng số tiền "bơm" ra đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ, để đảm bảo nguồn lực đưa ra được hấp thụ một cách tối đa. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao năng lực quản trị của Chính phủ đối với nền kinh tế.
Linh hoạt chính sách tiền tệ để đảm bảo "gánh" nhiều vai trò
Kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh mẽ, cùng với đó là áp lực lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia, khủng hoảng năng lượng… khiến chính sách tiền tệ tại Việt Nam phải “gánh” nhiều vai trò, vừa là trợ lực để chống dịch, vừa là “liều thuốc” cho phục hồi nền kinh tế. Theo đó, việc điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp cũng là vấn đề trọng tâm đặt ra trong năm 2022.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong năm 2022, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn, vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 cho phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương, tăng 3.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.
Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các nguồn lực ngân sách Trung ương, kết hợp với các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để đảm bảo các nhu cầu phát sinh...
"Trong năm 2022, yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đòi hỏi ở mức cấp thiết hơn nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn dồi dào như những năm trước đây", Bộ trưởng tài chính nhận định.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bước sang năm 2022, việc điều hành chính sách tiền tệ còn đối mặt với không ít thách thức, khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế còn đang mong manh, bất trắc, vừa phải chủ động đối phó với áp lực lạm phát gia tăng. Do đó, “liều thuốc” từ chính sách tiền tệ cần kết hợp với nhiều giải pháp và công cụ của chính sách khác từ nền kinh tế.
Các chuyên gia khuyến nghị, ngân hàng nhà nước cần nghiên cứu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bởi chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng cho vay. Ngân hàng nhà nước cũng nên bỏ quy định về hạn mức tín dụng với các ngân hàng thương mại, để tránh tạo thành cơ chế xin – cho…
"Để sử dụng hiệu quả dòng vốn tín dụng, Ngân hàng nhà nước cần nới thời hạn thực hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023, nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần hết sức thận trọng về quản lý chất lượng tín dụng, mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sát với thực chất các khoản nợ đã được cơ cấu lại…", TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá.
Nghị quyết 43 sẽ "nắn" dòng tiền đi đúng hướng?
Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có chung "niềm tin" khi nhận định rằng nền kinh tế Việt nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng khoảng 6.5%-7% trong năm 2022, trong khi vấn đề lạm phát không đáng lo ngại và sẽ duy trì ở dưới mức 4%.
Chúng ta cũng dễ nhận thấy là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "dưỡng thương" và chờ đợi để hồi phục. Việc đạt mức tăng trưởng kinh tế có thể không khó, khi mà Quốc hội mới đây đã chính thức thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá gần 350,000 tỷ đồng, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế sẽ hoạt động trở lại sau covid-19.
Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tăng trưởng, mà là chất lượng tăng trưởng. Các câu hỏi đặt ra là liệu quá trình tăng trưởng đó có đảm bảo sự công bằng xã hội và liệu có hạn chế được rủi ro bong bóng tài sản như đã từng xảy ra?
Nêu quan điểm, theo TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, việc sử dụng chính sách tiền tệ trong suốt thời gian qua trong khi nền kinh tế không "chạy", đã dẫn tới tiền chạy vào thị trường tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán và các hành vi đầu cơ tài sản nước ngoài hay đơn giản là đánh bạc...
Ông Hào cho rằng, các lĩnh vực cần hỗ trợ phải rõ ràng, và cách thức tiền sẽ được huy động và sử dụng phục vụ cứu trợ thế nào.
"Các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế nên là quá trình điều tiết lại nguồn tiền hiện hữu trong xã hội trở lại với những mục tiêu kinh tế cần hỗ trợ, đồng thời với việc bắt đầu quá trình nâng lãi suất trở lại khi kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng", ông Hào nhìn nhận.
Luận bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, gói hỗ trợ lần này có độ lan tỏa rất cao, phần lớn người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Cụ thể, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ kích thích mạnh tiêu dùng trong nước. Thị trường trong nước rất lớn, là trụ đỡ quan trọng cho các doanh nghiệp, do đó giảm thuế GTGT là "cú hích mạnh" để kích thích thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định: “Tiền cho gói hỗ trợ là tiền thuế của dân, phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất, chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ đúng những nguyên tắc thị trường.
Theo đó, để tăng sự kỳ vọng vào gói hỗ trợ, chiều 17/1, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chính thức chủ trì họp báo công bố Nghị quyết 43 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
"Nghị quyết 43 đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, định hướng "nắn" lại dòng tiền, xác định đúng và trúng đối tượng cần chi đầu tư hỗ trợ. Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế....", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.