Nên thận trọng khi bắt trend AI
(DNTO) - Chi phí để huấn luyện và vận hành một mô hình AI như ChatGPT có thể lên tới hàng trăm triệu USD, vì vậy doanh nghiệp cần cân nhắc thật kĩ để lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của mình.
Làn sóng ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong các doanh nghiệp trên toàn cầu đang bắt đầu bùng nổ, khi những lợi thế của công nghệ này mỗi ngày đều được tung hô. Báo cáo năm 2022 của McKinsey ghi nhận 50% doanh nghiệp khảo sát đã bắt đầu ứng dụng AI, trong khi năm 2017 mới chỉ đạt 20%.
Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Quản lý khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm, cho biết, những công cụ AI truyền thống sẽ tập trung vào phân tích dữ liệu, tức dựa trên những dữ liệu đã có để đưa ra những phân tích, kết luận và mỗi ứng dụng AI truyền thống sẽ chỉ làm được 1 tác vụ. Với Gen AI (trí tuệ tạo sinh), lần đầu tiên có những công cụ tạo ra những giá trị mới và sẽ làm được rất nhiều tác vụ vì ứng dụng nguồn ngôn ngữ lớn.
Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất ô tô, ngành chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ với 3 xu hướng điện hóa, thông minh hóa, kết nối hóa. Tại đây, công nghệ AI ứng dụng trong ô tô tự lái và ước tính tạo ra giá trị kinh tế khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, tức 10% ô tô sản xuất, vận hành trên thị trường vào năm 2030 là ô tô tự lái.
“Những ứng dụng trong doanh nghiệp do đó sẽ phát triển bùng nổ. Gen AI sẽ phát triển nhanh hơn gấp 3 lần so với AI nói chung”, ông Nam nhận định.
Thực tế, những lợi thế khi ứng dụng công nghệ AI đã được chứng minh trong thực tế về việc giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tăng năng suất của nhân viên và hiệu quả của doanh nghiệp. Nhưng rất ít người nói về những thách thức khi triển khai Gen AI trong doanh nghiệp.
Một điểm mà Giám đốc khu vực của Qualcomm lưu ý là chi phí khi triển khai AI và Gen AI không hề rẻ. Chi phí gồm 2 loại: chi phí huấn luyện và chi phí vận hành. Chi phí huấn luyện có thể chỉ chi 1 lần nhưng chi phí vận hành phải chi hàng ngày.
“Ví dụ ChatGPT, để huấn luyện một mô hình như ChatGPT-4 phải mất tầm 100 triệu USD. Kể cả huấn luyện xong, chúng ta phải chạy hàng ngày thì chi phí rất lớn. Để tối ưu chi phí khi huấn luyện, ứng dụng AI là bài toán mà các thách thức mà lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến”, vị này nói.
Ngoài chi phí, ông Nam cho biết, doanh nghiệp phải lưu ý chuẩn bị tốt các nguồn lực: con người, dữ liệu để đảm bảo việc ứng dụng AI bớt rủi ro nhất.
Về con người, Gen AI là công nghệ mới, công tác chuẩn bị đào tạo không chỉ nhân viên trong bộ phận công nghệ mà phải cả nhân viên công ty.
Về dữ liệu, các kết quả của AI đúng bao nhiêu % dựa vào chất lượng nguồn dữ liệu đầu vào. Do vậy, dữ liệu phải bảo vệ và chuẩn bị. Các doanh nghiệp không thể dùng các mô hình chung như ChatGPT để giải quyết các vấn đề của riêng mình mà cần phải có dữ liệu riêng để huấn luyện các mô hình AI đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù mô hình đó không cần lớn như ChatGPT nhưng hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
“Tính minh bạch rất quan trọng. Các hành xử của AI sẽ dựa trên sự huấn luyện của con người, dữ liệu con người đưa lên. Cách triển khai AI cũng phải minh bạch để hạn chế rủi ro mà AI có thể đem lại”, ông Nam nói.
Đồng quan điểm, TS Vũ Duy Thức, Đồng sáng lập VietAI (tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển cộng đồng nghiên cứu AI Việt Nam), cho biết vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xác định giá trị cụ thể mà AI mang lại cho mình. Bởi khi AI đang trở thành trend, mọi người rất nôn nóng ứng dụng AI vào việc kinh doanh của mình.
Để xác định giá trị của AI mang lại thì phải phát triển sản phẩm ưu việt hơn cho người dùng, mang đến những trải nghiệm tốt hơn hay tương tác tự nhiên hơn. Ví dụ làm ra sản phẩm mà người dùng dễ dàng sử dụng, trao đổi và điều khiển thông qua ngôn ngữ tự nhiên.
Song song với các giá trị của AI, doanh nghiệp phải xem xét lợi thế cạnh tranh lớn nhất của mình trong những việc phát triển, ứng dụng AI là gì. Lợi thế ở đây có thể là những tập dữ liệu mà mà chỉ các doanh nghiệp có thể dán nhãn hoặc thu hoạch được; hoặc tập người dùng đã sử dụng sản phẩm từ rất lâu, hay còn gọi là nhóm khách hàng trung thành. Dựa vào những lợi thế này, doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm sử dụng AI tạo ra những lợi thế cạnh tranh với đối thủ.
“Phải có hướng đầu tư và nghiên cứu lâu dài, lộ trình, từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm trong thời gian ngắn, trung, dài. Đặc biệt là đào tạo kĩ sư, nhà nghiên cứu AI có khả năng phát triển AI tốt cho doanh nghiệp để phát triển tính năng khác nhau của AI cho doanh nghiệp”, ông Thức khuyến nghị.