Làn sóng khởi nghiệp của các start-up trỗi dậy nhờ mạng 5G

(DNTO) - Để biến các ý tưởng thành hiện thực hầu kỳ vọng dẫn đến thành công, các start-up công nghệ cần tốc độ, linh hoạt và đa dạng nguồn trợ giúp. Sự đổi mới của mạng 5G chính là thứ họ dựa vào để làm điều đó một cách hiệu quả.
5G (dòng mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 10 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Nhiều start-up kỹ thuật số đã nhanh nhạy chọn sự phát triển của cuộc cách mạng 5G này làm nguồn lực nền trong khởi nghiệp.

Sự đổi mới của mạng 5G giúp các start-up dựa vào để khởi nghiệp một cách hiệu quả. Ảnh Shutter Stock.
Để hiểu sự đổi mới 5G có thể giúp một công nghệ non trẻ phát triển mạnh ra sao ta phải nhìn nhận một khái niệm. Mặc dù mọi công ty thành công đều bắt đầu với một ý tưởng, nhưng không phải tất cả các chất xám tuyệt vời đều dễ dàng hình thành và tồn tại. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 70% công ty khởi nghiệp công nghệ đã thất bại, thường là chỉ trụ được khoảng 20 tháng kể từ vòng tài trợ đầu tiên nhận được.
Trong một thị trường cạnh tranh, thuần vốn tài trợ không phải là tấm vé vàng. Để biến các ý tưởng thành hiện thực, các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ cần tốc độ, sự linh hoạt và đôi khi là tinh tế tận dụng sự trợ giúp từ những người bạn hay các tổ chức đáng tin cậy.
Điển hình thứ nhất: Công nghệ Kai XR của Kai Frazier
Trên nền tảng 5G, Kai Frazier là người phụ nữ trẻ đã dựa vào những yếu tố kể trên để khởi nghiệp với Kai XR. Kè kè máy tính xách tay, đeo bộ kính ảo và tự ghi hình chính mình bằng một giá ba chân nhỏ, cô gái này đã tạo ra Kai XR để mang đến cho cộng đồng giáo dục những chuyến đi thực tế ảo thân thiện với trẻ em.
Công ty của cô đã tới điểm tăng trưởng ấn tượng vào giữa năm 2020. Được hình thành với mục tiêu nỗ lực giải quyết các nguồn lực hạn chế của hệ thống trường học, Kai XR kết hợp công nghệ Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) trên mạng 5G, để cung cấp nền tảng 360˚ giúp trẻ em học hỏi và khám phá thế giới bên ngoài các bức tường lớp học.

Kai Frazier đã tạo ra Kai XR để mang đến những chuyến đi thực tế ảo thân thiện với trẻ em. Ảnh KAI XR
Sau khi trường công lập trong khu vực của Frazier ngừng tổ chức những chuyến tham quan thực tế các bảo tàng do nguồn ngân sách bị cắt giảm, cô quyết thành lập công ty để tìm kiếm các giải pháp thay thế. Cảm thấy thất vọng trước các sản phẩm công nghệ hiện đại vốn đòi hỏi mạng Wi-Fi tối ưu cùng các thiết bị phụ trợ đắt tiền mà nhiều học sinh không có hoặc chẳng đủ tiền mua, Frazier đã dựa vào kỹ thuật truyền thông ba chiều và kể chuyện 3D của 5G để hình thành Kai XR. Công ty đã mất hai tháng chuẩn bị để khởi động chương trình thử nghiệm nền tảng trên một loạt thiết bị và chất lượng kết nối, từ Wi-Fi đến điểm phát sóng hầu thu thập được dữ liệu chẩn đoán và hiệu suất hình động có giá trị nhất phục vụ lớp trẻ.
Giải pháp khởi nghiệp của Homebase trên nền tảng 5G
Còn start-up Homebase lại là một giải pháp tòa nhà thông minh với hệ thống kiểm soát ra vào chung cư và điều hành cơ sở hạ tầng internet cho các chủ sở hữu căn hộ. Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Blake Miller đã tận dụng sức mạnh của thế hệ mạng di động thứ 5 để gia tăng hiệu quả quảng cáo chiêu hàng, định vị thương hiệu và tinh chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường.
Tận dụng tình hình đang có trào lưu thế hệ Z tham gia vào thị trường cho thuê với 75% những người trẻ này quan tâm đến việc sinh sống ở chung cư, Homebase đã thành công nhờ cung cấp cơ sở hạ tầng và kết nối thông minh không cần qua cổng trung tâm, một xu hướng liên lạc mới mà thế hệ này lâu nay đã mong đợi.

Homebase đã thành công nhờ cung cấp cơ sở hạ tầng và kết nối thông minh dựa vào 5G. Ảnh Getty Images
Chương trình T-Mobile Accelerator, cầu nối 5G với các start-up công nghệ
Người bạn trợ giúp kiêm cố vấn cho các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng hệ thống không dây thứ 5 kể trên chính là chương trình T-Mobile Accelerator. Cả Kai XR lẫn Homebase đều tìm đến trung tâm này để tìm kiếm những ý tưởng, sự đổi mới và hành động hiệu quả. Do đã dày dạn kinh nghiệm trong hợp tác và phát triển, T-Mobile cung cấp các chương trình hoạt động quanh năm với một đội ngũ tư vấn gồm các doanh nhân, cộng đồng công nghệ cùng các chuyên gia diễn giả lẫn tham vấn.
Kể từ khi thành lập, T-Mobile Accelerator đã làm việc với 67 start-up. Chương trình ảo kéo dài ba tháng hàng năm của tổ chức đã giúp nhóm khởi nghiệp này huy động được tổng cộng gần 80 triệu đô la sau khi tham gia chương trình, hiệu quả đến mức 82% các công ty của cựu sinh viên những khóa này đến nay vẫn còn hoạt động kinh doanh. Theo Tina Peterson giám đốc của tổ chức, mục đích của T-Mobile Accelerator là mong muốn tìm kiếm các start-up sáng tạo, giúp họ tiếp cận các cơ sở thử nghiệm 5G của T-Mobile để nâng cao sản phẩm dịch vụ mà họ cho ra đời trên nền tảng của thế hệ mạng tiên tiến mới.