Tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo của Ả Rập Xê-út
(DNTO) - Ả Rập Xê-út đang có chiến lược đổi mới để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về AI, một quốc gia tiên phong trong nền công nghiệp 4.0, tận dụng trí thông minh nhân tạo để hướng tới một tương lai hoàn toàn bền vững và được định hướng bằng kỹ thuật số.
Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu vừa khai mạc đúng vào năm Ả Rập Xê-út làm chủ tịch G20. Trong bài phát biểu hội nghị, Hoàng thân Mohammed bin Salman bin Abdulaziz khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa, 2020 là một năm phi thường để con người kiểm tra tiềm năng của trí tuệ nhân tạo AI trong bối cảnh bình thường mới toàn cầu trong đại dịch, nghĩa là nhân loại cần công nghệ để xác định lại kiểu sống, cách làm việc và trải nghiệm học tập.
Hoàng thân xứ này cũng mời gọi tất cả những người có ước mơ, các chính khách mang tư tưởng đổi mới, giới đầu tư và những nhà tư tưởng hãy cùng tham gia với Ả Rập Xê-út để cùng đạt được một tham vọng chung, đó là xây dựng được hình mẫu tiên phong để mở khóa kho giá trị của dữ liệu, tận dụng AI nhằm xây dựng nền kinh tế thế giới dựa trên tri thức hầu thúc đẩy thế hệ hiện tại và tương lai của nhân loại.
Như thế, với sự ra mắt của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI đi kèm một số sáng kiến tiếp cận quốc tế với Ngân hàng Thế giới, ITU và LHQ, chính Ả Rập Xê-út đang đứng ra cầm chịch, tự định vị vương quốc sẽ là nền tảng mới và sáng tạo cho hợp tác quốc tế về trí thông minh nhân tạo. Những quốc gia đồng hành mạnh mẽ với kế hoạch và sáng kiến này phải kể đến vài cái tên chủ đạo như Singapore, Estonia và UAE.
Các đại diện đến từ châu Phi và châu Mỹ Latinh cũng nhận ra rằng, đất nước của họ đang cần phải làm nhiều hơn nữa về công nghệ này để thu hẹp khoảng cách, đồng thời hưởng được phần nào lợi ích cũng như tác động tích cực của AI. Hơn nữa, nỗ lực chống đại dịch Covid lại là một chủ đề đang cần đến sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Chính nó kết hợp với kỹ thuật số hóa xem chừng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong một thế giới bình thường mới sau đại dịch, nhất là khi hành tinh xanh này có thể phải đối mặt với những biến động khác trong tương lai.
Theo đề cương của đầu tàu Ả Rập Xê-út, phương pháp này tiếp cận toàn diện về niềm tin, đạo đức và công bằng, đặc biệt là khi đối diện với mảng công ăn việc làm. Công bố tại Hội nghị thượng đỉnh, theo ước tính gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 2025, toàn cầu sẽ mất đi 85 triệu việc làm song song với 97 triệu việc làm được tạo ra, chủ yếu trong không gian AI, tự động hóa, IoT và an ninh mạng. Chính vì lẽ đó, Ả Rập Xê-út mong muốn trở thành một trung tâm toàn cầu về dữ liệu và AI.
Lấy con người làm trung tâm nhằm nâng cao sự hợp tác, hạ thấp kèn cựa tranh giành, tập trung chia sẻ kiến thức, công nghệ và chuyên môn để mở ra giá trị của AI cho tất cả cộng đồng... là rất quan trọng đối với sự sáng tạo và phát triển. Rất may, giữa biến động dịch bệnh có vẻ thế giới đang xích lại gần nhau hơn.
Hầu hết cộng đồng khoa học và doanh nhân hiện nay không phân hóa hay quá chú ý đến những tiêu cực xung quanh công nghệ AI, mà tập trung vào các tác động tích cực của nó. Ả Rập Xê-út cảm thấy tự hào khi đóng vai trò như một chất xúc tác cho các chính phủ ở khắp mọi nơi, nỗ lực tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để tăng cường xã hội và tái tạo nền kinh tế kỹ thuật số mai này.