Lạm phát ổn định, áp lực tỷ giá những tháng cuối năm không lớn
(DNTO) - Sau một thời gian hạ nhiệt, tỷ giá USD/VND có xu hướng nhích lên trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm không lớn.
Khó khăn lạm phát gần như đã qua đi
CPI của Việt Nam tăng 0,29% so với tháng trước trong tháng 9/2024, chủ yếu nhờ giá xăng trong nước giảm 6,9% cùng với sự sụt giảm giá dầu thế giới đã hạn chế bớt tác động từ đà tăng giá của các mặt hàng khác, như giáo dục và lương thực - thực phẩm. Mức nền so sánh cao (+1,08% so với tháng trước của tháng 9/2023) đã góp phần khiến mức tăng CPI so với cùng kỳ chậm lại đáng kể vào tháng 9/2024 khi chỉ tăng 2,63% so với mức 3,45% của tháng 8.
CPI đã tăng 2,18%so với đầu năm trong tháng 9/2024, từ mức 1,89% trong tháng 8, thấp hơn mức tăng 3,12% so với đầu năm vào tháng 9/2023. Trong rổ chỉ số CPI, 9/11 nhóm ghi nhận xu hướng tăng so với tháng trước...
Trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam ghi nhận lạm phát bình quân 3,88% so với cùng kỳ (so với 3,16% trong tháng của năm 2023), chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,00% so với cùng kỳ), đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng chung trong 9 tháng năm 2024, trong khi nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+5,33% so với cùng kỳ) đóng góp 1 điểm % vào mức tăng so với cùng kỳ của CPI bình quân 9 tháng của năm 2024.
Trong tháng 9, CPI lõi tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ. Bình quân 9 tháng của năm 2024, CPI lõi tăng 2,69% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức +3,88% bình quân 9 tháng năm 2023.
"Như chúng tôi kỳ vọng trong báo cáo Cập nhật vĩ mô tháng 9 vừa qua, tác động của Bão Yagi đến lạm phát là không đáng kể. Trong tháng 9, mức giảm giá xăng, thể hiện qua việc nhóm giao thông giảm 2,77% so với tháng trước đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát từ mức tăng 0,92% của nhóm lương thực và Thực phẩm sau cơn bão Yagi", ông Đinh Quang Hinh, Chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định.
Ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá điện 4,8%. Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu lạm phát 9 tháng năm 2024, khi lạm phát bình quân đã được kiểm soát, chỉ tăng 3,88% so với mức cao 4,12% của những tháng trước, chủ yếu nhờ mức nền thuận lợi cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá điện đóng góp khoảng 3,5% vào chỉ số CPI, nên mức tăng 4,8% sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến xu hướng chung của lạm phát. Nói cách khác, mục tiêu giữ lạm phát bình quân dưới 4,5% của Chính phủ sẽ vẫn được đảm bảo dù giá điện tăng 4,8%.
"Mặc dù hiện tại có những áp lực tăng lạm phát, bao gồm giá xăng trong nước hồi phục theo giá dầu thế giới trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng ở khu vực Trung Đông, áp lực ngoại hối gia tăng do thị trường việc làm ở Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, và giá điện tăng, chúng tôi tin rằng mức tăng cao của CPI (hàng tháng) trong nửa cuối năm 2023 sẽ giúp kìm hãm đà tăng của CPI (so với cùng kỳ) trong những tháng cuối năm 2024. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2024 ở mức 3,8%", chuyên gia VNDirect nhận định.
Trong các dự báo cập nhật mới nhất, nhiều tổ chức định chế tài chính quốc tế đều dự báo lạm phát 2024 tại Việt Nam có thể cao hơn năm 2023, song vẫn nằm trong mục tiêu 4,5% đặt ra. Cụ thể như: WB dự báo mức 4,5%; ADB dự báo mức 4,0%; HSBC dự báo mức 3,6%...
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ nhiều yếu tố, trong đó, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân... Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát...
Những cơ sở để ổn định tỷ giá những tháng cuối năm 2024
Dự báo diễn biến tỷ giá cuối năm, các chuyên gia phân tích của MBS nhận định, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.700 - 24.900 VND/USD trong quý IV/2024. Dự báo được hỗ trợ bởi những yếu tố: thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024), dòng vốn FDI (14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 45,8% so với cùng kỳ trong 8 tháng năm 2024), kiều hối tăng. Ngoài ra, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Theo phân tích của VNDirect, trong bối cảnh đồng VNĐ mất giá thời gian gần đây và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn hai cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm, việc theo dõi sát sao thị trường ngoại hối là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cần đảm bảo duy trì đủ thanh khoản cho hệ thống ngày càng trở nên quan trọng vào thời điểm cuối năm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý 4, được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong hai cuộc họp còn lại cuối năm 2024, qua đó gây áp lực lên chỉ số DXY. Ngoài ra, thặng dư thương mại duy trì mức cao (20,8 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024). Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tăng trưởng mạnh mẽ (+8,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024); và kỳ vọng dòng kiều hối dồi dào trong quý 4/2024.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, khi lãi suất USD giảm, kéo chỉ số DXY đi xuống, tỷ giá không còn áp lực. Đồng thời, việc Fed cắt giảm lãi suất USD cũng làm đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất tiết kiệm nửa đầu năm 2024 của VND, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng góp phần định hướng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn, tạo điều kiện ổn định lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...