Bớt lo lắng về tỷ giá, thị trường lại xanh mướt
(DNTO) - Đà tăng được ghi nhận ngay từ đầu phiên sáng và kéo dài cho đến cuối phiên khi có gần 450 mã tăng giá trải dài ở nhiều nhóm ngành, thanh khoản gần gấp đôi phiên liền trước với gần 20 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn. Kết phiên, VN-Index lấy lại hơn 7 điểm, dừng tại 1.261 điểm.
Tâm lý lo lắng của phiên liền trước dường như đã được trút bỏ ngay từ đầu phiên khi dòng tiền gia nhập khá đều hút mạnh cung hàng trên thị trường, trong khi đó lực bán lại có phần suy yếu khiến chỉ số liên tục được kéo đi lên. Điều này cho thấy, khả năng nhiều nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng tích luỹ, chờ đợi tìm kiếm cơ hội.
Nhóm cổ phiếu có vai trò đóng góp tích cực nhất với thị trường bao gồm HVN, HDB, HPG, GVR và VIB. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu VNM, PDR, DXG, TPB, VIC lại ảnh hưởng khá tiêu cực đến chỉ số chung.
Cổ phiếu hàng không HVN bất ngờ "cất cánh" với đà tăng kịch trần gần 7% sau thời gian dài lình xình theo xu hướng đi ngang, lượng cổ phiếu giao dịch vượt trội trong tháng qua gần 4 triệu đơn vị, trở thành một trong 10 cổ phiếu tăng nhiều nhất trên HoSE trong phiên hôm nay.
Dễ nhận thấy, thị trường đã phần nào dễ thở hơn. Và điều này khả năng đến từ việc áp lực tỷ giá dịu bớt nhờ các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau nhiều ngày căng thẳng.
Tuần trước, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng mạnh 0,93%, tương đương mức tăng 3,4% so với cuối tháng 9 và tăng 4,7% so với cuối năm 2023. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại giao dịch quanh mức trần, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do cũng đã bật nhanh về lại gần mức đỉnh trong những ngày cuối tuần.
Theo đó, nhà điều hành phát ra thông điệp về việc sẽ thực hiện phương án can thiệp bán ngoại tệ nếu cần thiết bắt đầu từ ngày 25/10, mức can thiệp là 25.450 (tương đương với tỷ giá can thiệp trong thời điểm quý 2/2024). Các ngân hàng thương mại có thể thực hiện giao dịch mua USD từ NHNN với điều kiện trạng thái ngoại tệ ở mức âm.
Đồng thời, sáng 25/10, Kho bạc Nhà nước cũng ra thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng tối đa là 240 triệu USD, nhằm đáp ứng nhu cầu trả gốc trái phiếu Chính phủ vào tháng 11 tới đây.
"Chúng tôi giữ quan điểm áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có, do thị trường ngoại hối quy mô còn chưa đủ lớn, trong khi áp lực từ bên ngoài vẫn còn khá cao. Tuy nhiên nhiều khả năng tình hình sẽ ổn định dần vào cuối năm, khi các yếu tố khó lường như bầu cử tại Mỹ, định hướng chính sách của FED sẽ phản ánh đầy đủ vào biến động của DXY", chứng khoán SSI nhận định.
Biến động của tỷ giá trong nước được nhận định chỉ mang tính thời vụ. Các chính sách tích cực từ phía nhà điều hành sẽ luôn được triển khai theo hướng hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế và chính điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
"Thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới. Đồng thời, thị trường cũng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết trong tuần tới với kỳ vọng về bức tranh chung theo chiều hướng khả quan, qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường. Với những yếu tố kể trên, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp", VNdirect nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Đức Nhân, Công ty Mirea Asset nhận định: "Thị trường sẽ phải trải qua giai đoạn khó chịu khi các cổ phiếu giao dịch tích luỹ, siết cung và cầu chặt chẽ. Tuy nhiên, qua Tết âm lịch, tôi kỳ vọng sẽ có một đợt sóng mới".