Yếu tố mùa vụ ám ảnh, thị trường được cứu bởi phiên ATC
(DNTO) - Nhờ phiên ATC với các lệnh mua bán lớn, chỉ số VN-Index mới có cơ hội lội ngược dòng tăng hơn 2 điểm so với phiên hôm qua. Dù vậy, thanh khoản khá èo uột cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trống vắng thông tin hỗ trợ.
Phiên ATC hôm nay, ngày 28/10, mang lại nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư khi nhanh chóng đẩy chỉ số VN-Index bật tăng hơn 2 điểm khi đang trong tình trạng giảm gần 3 điểm ngay trước đó. Đáng chú ý, các lệnh mua và bán tập trung nhiều với nhóm vốn hoá lớn giúp nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 lấy lại đà tăng trong phiên.
Phiên giao dịch khá giằng co, chỉ số lên xuống thất thường trong sự lưỡng lự và cẩn trọng của dòng tiền. Ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số chung là cổ phiếu VHM, EIB, VNM.. do áp lực chốt lời mạnh mẽ sau một thời gian các cổ phiếu này đã tăng đủ mạnh.
Thanh khoản toàn phiên ghi nhận khá thấp khi chỉ có hơn 12 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, riêng trên HoSE chỉ còn chưa đến 11 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản thấp còn là biểu hiện của trạng thái "gồng lỗ" chờ đợi của nhà đầu tư sau một thời gian thị trường liên tục giảm điểm. Điều này cũng cho thấy trạng thái bình tĩnh giữ hàng, không hề có dấu hiệu bán tháo hay xả hàng hàng loạt từng xảy ra một vài phiên trước đó.
Như vậy kể từ đầu tháng 10 tháng nay, chỉ số VN-Index đã giảm từ mốc 1.292 điểm xuống còn 1.252 điểm trong phiên hôm nay. Có thể nhận thấy thị trường đang rơi vào vùng trống thông tin hỗ trợ dù các doanh nghiệp niêm yết đang dần công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Dòng tiền đuối sức không đủ sức nâng đỡ chỉ số.
Việc thị trường điều chỉnh giảm điểm trong tháng 10 theo nhiều chuyên gia có phần do tính mùa vụ chi phối khi hiện tượng này từng lặp lại ở nhiều năm trước đó.
"Yếu tố mùa vụ đang chi phối thị trường trong tháng 10, so với 2 năm trước mức điều chỉnh của thị trường hiện tại tương đối nhẹ nhàng", khối nghiên cứu của Chứng khoán MBS cho biết.
Tháng 10 cũng là thời điểm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, sự biến động của chứng khoán toàn cầu cũng là yếu tố tất yếu, nằm trong sự dự đoán của các chuyên gia. Thông thường, chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán tăng trung bình khoảng 25% từ tháng 7 đến tháng 11 trong những năm bầu cử.
"Các tài sản an toàn như vàng hoặc USD tiếp tục là kênh trú ẩn để phòng ngừa rủi ro trước thềm bầu cử ở Mỹ, bầu cử ở Nhật, và các cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của ba ngân hàng trung ương lớn", MBS nhận định. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền chưa thực sự tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, tỷ giá trong nước có dấu hiệu tăng trở lại trong thời gian qua. Điều này khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hút ròng hơn 41 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, qua đó hỗ trợ kiểm soát tỷ giá. Điều này khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong tuần vừa rồi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu điều này kéo dài có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất, đặc biệt hiện đang trong giai đoạn cuối năm, thanh khoản hệ thống đối mặt với áp lực gia tăng.
Việc điều chỉnh của thị trường được cho vẫn tiếp diễn, một cơ hội tốt để nhà đầu tư giải ngân, cơ cấu lại danh mục của mình.
"Nhịp điều chỉnh có thể vẫn còn tiếp diễn để thị trường kiểm tra vùng đáy tháng 9 hoặc kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 lần thứ 3 trong kịch bản chứng khoán thế giới chuẩn bị cho 2 tuần đầy biến động, sẽ là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng cho thời điểm hồi phục tháng 11", MSB khuyến nghị.