Không để xuất khẩu sang châu Mỹ chỉ mãi phụ thuộc vào Hoa Kỳ
(DNTO) - Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường lớn và tiềm năng nhưng việc phụ thuộc phần lớn vào thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp cần hướng tới mở rộng thị trường cùng khu vực như Peru, Colombia hay Trung Mỹ...
10 tháng đầu năm nay, trong 136,5 tỷ USD kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối thị trường châu Mỹ, thị trường Hoa Kỳ chiếm phần lớn, đạt gần 111 tỷ USD.
Mặc dù Việt Nam xuất siêu tới rất mạnh sang các thị trường châu Mỹ (91,3 tỷ USD trong năm 2023) nhưng kết quả này chủ yếu đến từ trao đổi thương mại với Hoa Kỳ (83,2 tỷ USD). Ta vẫn phải nhập siêu lớn từ số thị trường quan trọng khác trong khu vực như Brazil (2,2 tỷ USD) và Argentina (1,49 tỷ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Mỹ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng có vốn đầu tư FDI cao như điện thoại, linh kiện điện tử, máy vi tính, phương tiện vận tải và phụ tùng, dệt may và giày dép. Đặc biệt tại các thị trường vừa và nhỏ, một số mặt hàng có thể vượt quá 50%, gây ra sự thiếu đa dạng trong cơ cấu xuất khẩu.
Trong Hội nghị Tham tán Thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực châu Mỹ tại Barazil vào sáng 18/11 theo giờ địa phương, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Mexico hay Brazil nhưng thiếu hụt thông tin về các thị trường tiềm năng khác như Peru, Colombia, hay Trung Mỹ.
Điều nay dẫn tới doanh nghiệp thường bị động khi gặp khó khăn tại một thị trường trọng điểm và khó có thể chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường khác. “Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất OEM (sản xuất theo yêu cầu và thiết kế của đối tác) để xuất khẩu sang châu Mỹ chứ chưa tận dụng được tối đa tiềm năng thị trường”, ông Linh lý giải.
Ở chiều ngược lại, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, khu vực châu Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn mà còn là thị trường nhập khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước.
Hiện nay nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước vẫn đang lệ thuộc vào một số thị trường châu Á. Trong khi đó, châu Mỹ là khu vực thị trường tiềm năng cung cấp nguyên liệu đầu vào, có nhiều tài nguyên khoáng sản phục vụ cho hoạt động sản xuất dệt may, da giày…
“Trước xu thế chiến tranh thương mại từ các nước lớn, chúng ta phải chuyển đổi, tìm kiếm những thị trường mới, tiềm năng, tránh sự lệ thuộc vào một số thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thực tế, việc đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường là rất quan trọng. Theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, yếu tố bất định của khu vực châu Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, thương mại của Việt Nam với khu vực này luôn nhạy cảm trước những biến động của nền kinh tế thế giới.
Điều này thể hiện con số về kim ngạch thương mại với châu Mỹ trong năm 2023, đặc biệt là chiều xuất khẩu, ghi nhận sự sụt giảm cao hơn đáng kể so với mức giảm trung bình. Tới năm 2024, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi trở lại, biên độ tăng trưởng thương mại với châu Mỹ cũng tăng nhanh hơn mức trung bình cả nước.
Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng cần đặt trọng tâm cho các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để mở cửa hơn nữa vào thị trường này. Trong đó tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu, dành ưu tiên cao cho các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thủy sản và những mặt hàng mà các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh.
“Cần chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ, các thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để tăng dần xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này. Bên cạnh đó đẩy mạnh việc phát triển các thị trường nhỏ, các thị trường ngách, tập trung vào các thị trường như Cộng đồng Andean và các nước Trung Mỹ và Caribe...”, ông Linh nhấn mạnh.