Có doanh nghiệp mất 3-5 năm để lấy lòng người tiêu dùng quốc tế
(DNTO) - Doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng thương hiệu dài hơi, bền bỉ nếu muốn người tiêu dùng quốc tế nhớ đến mình.
Đừng làm truyền thông kiểu “thích thì làm, không thì thôi”
Mỗi năm, hàng Việt xuất khẩu hơn 300 tỷ USD ra thị trường thế giới. Nhưng câu chuyện đáng buồn là rất ít sản phẩm mang thương hiệu Việt có mặt trên kệ hàng nước ngoài và được người tiêu dùng quốc tế nhớ tới. Chủ yếu, hàng Việt vẫn phải gắn mác thương hiệu ngoại để đi vào các thị trường khó tính. Điều này cho thấy khả năng xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu kém.
Tại chương trình Chính sách và đối thoại với chủ đề “Xu hướng “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức” hôm 18/11, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, thừa nhận việc xây dựng thương hiệu ở doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự bài bản, mỗi công ty làm một kiểu nên chưa được chuẩn hóa. Ví dụ cùng một phần giới thiệu doanh nghiệp nhưng mỗi công ty làm một dạng thức, dẫn đến cơ quan chức năng nếu muốn xúc tiến thương mại thì mỗi doanh nghiệp lại phải giới thiệu một kiểu, mất thời gian và kém hiệu quả.
Một số doanh nghiệp làm thương hiệu kiểu “có tiền mới làm” hoặc “thích thì làm” nên khâu truyền thông thương hiệu thường bị cắt bỏ khi doanh nghiệp khó khăn. Nhưng khách hàng không phải lúc nào cũng nhớ đến thương hiệu, vì nếu thương hiệu này bỏ đi, ngay lập tức sẽ có thương hiệu khác thế chân. Vì vậy ông Thành khuyến nghị việc truyền thông thương hiệu phải tiến hành liên tục và bền bỉ và có đầu tư.
Bởi, theo vị chuyên gia, cái khó của truyền thông, marketing là để khách hàng không chỉ mua hàng một lần, mà khiến họ phải mua đi mua lại. Ví dụ gạo Việt Nam, khách du lịch rất thích và mua về. Nhưng nếu không được hướng dẫn cách nấu thế nào cho ngon họ sẽ tìm đến sản phẩm khác có hướng dẫn cụ thể hơn. Như vậy, để khách hàng ưu tiên dùng nhiều hơn sản phẩm thì doanh nghiệp phải truyền thông liên tục.
“Ở Việt Nam nhiều công ty đang thực hiện tốt việc này. Tức trước khi bán hàng ra quốc tế, các công ty sẽ đi seeding – tức làm cho khách hàng biết đến Việt Nam, đến sản xuất Việt Nam. Trong các hội nhóm, họ nhìn thấy sản phẩm của Việt Nam, họ dùng thử và lan tỏa. Có công ty đang làm như vậy và quá trình này mất từ 3-5 năm. Nhưng nếu không tiếp tục duy trì truyền thông, người tiêu dùng sẽ lại quên đi”, ông Thành ví dụ.
Không thể bỏ qua “trend xanh”
Chuyên gia truyền thông cũng cho biết người tiêu dùng hiện nay rất thông minh, họ sẽ chỉ tái sử dụng sản phẩm của các thương hiệu có “đạo đức”, “trách nhiệm”. Doanh nghiệp sản xuất có gây hại ra môi trường không? Có lạm dụng sức lao động của người lao động hay không?... Đó chính là yếu tố xanh và bền vững.
Thực tế, thời gian qua thị trường đã xuất hiện làn sóng tẩy chay ngầm những loại thức uống đựng trong chai nhựa dùng một lần không thể tái chế. Ngược lại, giờ đây, các loại bao bì tái chế từ mo cau, lá chuối… được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn. Điều này cho thấy người tiêu dùng yêu cầu cao hơn với các doanh nghiệp về phát triển bền vững.
“Tháng 9 năm ngoái tôi đi Hội chợ nội thất ở Pháp, tháng 1 năm nay đi hội chợ ở Frankfurt (Đức), tôi thấy người mua đến gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam và hỏi rằng liệu cái chao đèn (bộ phận úp trên bóng đèn) có thể loại bỏ thanh sắt được không vì họ muốn 100% thành phần từ tự nhiên. Gần như tất cả khách hàng ở khối EU đều mong muốn làm sao giảm thiểu tối đa kim loại để bảo vệ môi trường và thân thiện với người sử dụng”, ông Thành cho biết.
Nhưng vị chuyên gia cũng thừa nhận việc thay đổi một bộ phận rất nhỏ trên sản phẩm tưởng chừng rất dễ nhưng thực ra rất thách thức. Bởi nó buộc doanh nghiệp phải thay đổi từ tư duy của người thiết kế, cho đến khâu sản xuất, đóng gói, vận chuyển. Vì vậy, sự thay đổi này bắt buộc phải được thực hiện quyết liệt, không phải chỉ một doanh nghiệp, mà cả chuỗi cung ứng cũng phải thay đổi.
Để tiếp cận tốt hơn khách hàng quốc tế, ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, cho biết sản phẩm doanh nghiệp phải quốc tế hóa, được thừa nhận bằng các tổ chức đánh giá độc lập, có uy tín quốc tế.
Cục này cho biết sắp tới sẽ xây dựng Bản đồ Tiêu chuẩn (Standard Map) từ nguồn của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC). Các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đều có thể tra cứu, tìm hiểu để thực hiện chứng nhận từ các bên thứ 3 uy tín.