Chuyên gia: Gia công vẫn tốt nhưng phải xác định xây dựng sản phẩm có thương hiệu riêng
(DNTO) - Việc dịch chuyển sản xuất trên toàn cầu hiện diễn ra rất nhanh nên những doanh nghiệp gia công giờ đây đang rất dễ bị thay thế. Để duy trì sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp buộc phải tính đến việc phát triển hàng hóa mang thương hiệu của mình.
Không thể mãi ‘áo gấm đi đêm’
Chia sẻ trong tọa đàm Chiến lược tiếp cận và xây dựng thương hiệu tại thị trường Vương quốc Anh ngày 14/10, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, sản xuất dệt may da giày ở Việt Nam hiện nay chủ yếu có các phương thức chính: CMT (chỉ đóng góp lao động), FOB (chủ động về khâu nguyên liệu, thiết bị) và cuối cùng ODM (chủ động về thiết kế). Việc chủ động thiết kế mang lại giá trị gia tăng cao nhất nhưng nhiều năm nay, ngành da giày chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công CMT và FOB, vì vậy phụ thuộc rất lớn vào khách hàng.
"Họ mang mẫu mã thiết kế, thiết bị, công nghệ đến, còn chúng ta chỉ có nguồn lao động đóng góp vào chuỗi cung ứng. Nhưng hiện nay, khách hàng ngày càng cắt bớt các công đoạn để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Họ chỉ mang ý tưởng và các doanh nghiệp phải tự phát triển mẫu thiết kế đó để thực hiện đơn hàng. Việc chuyển dịch này là khó khăn với ngành da giày”, bà Xuân nói.
Là một ngành xuất khẩu hơn 13 tỷ USD năm ngoái, nhưng ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam ước tính, chỉ dưới 10% tổng giá trị xuất khẩu gỗ do doanh nghiệp chủ động thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Việc tập trung vào gia công khiến doanh nghiệp thua thiệt vì làm nhiều nhưng hưởng không được bao nhiêu.
“Ví dụ có một số doanh nghiệp xuất khẩu 1 chiếc ghế sang Anh với giá bán 30 USD, nhưng tiền trả bản quyền thiết kế, thương hiệu đã mất 10 USD, chiếm 1/3. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không khác gì ‘áo gấm đi đêm’”, ông Hoài nói.
Trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thừa nhận, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn làm thương hiệu vì rất vất vả, khó khăn.
Thực tế là có doanh nghiệp đã mất rất nhiều công đưa thương hiệu của mình lên kệ của các chuỗi phân phối lớn ở nước ngoài. Nhưng sau đó do lợi nhuận không nhiều nên họ lại dồn trọng tâm vào mảng gia công. Như vậy những công sức bỏ ra xây dựng thương hiệu trở nên lãng phí. Do đó quyết tâm xây dựng thương hiệu của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
“Ở Hải Phòng có doanh nghiệp gia công doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Họ chia sẻ rằng đã có những chuỗi phân phối sẵn sàng nhập khẩu hàng hóa thương hiệu riêng nếu họ làm. Như vậy vẫn có cơ hội, vì doanh thu từ gia công lớn nhưng lợi nhuận lại rất nhỏ. Một ngày đẹp trời, họ không nhập của doanh nghiệp Việt mà chuyển sang Myanmar, Bangladesh hay một nước nào đó thì công sức xây nhà máy sẽ lãng phí. Nhưng nếu định hướng sau 1-3 năm, tỷ lệ hàng thương hiệu tăng lên 1-3%”, ông Khanh ví dụ.
Gia công nhưng phải có định hướng
Ông Khanh cho biết, việc làm gia công vẫn có nhiều ưu điểm, nhưng quan trọng phải xác đinh làm gia công trong bao lâu. Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” vì họ gia công mọi thứ, nhưng gia công có định hướng để phát triển ngành chiến lược, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng của họ.
Vì vậy, tất cả các ngành thế mạnh của Việt Nam hiện nay như dệt may, da giày, đồ gỗ… vẫn tiếp tục gia công vì đây là lợi thế của ngành sản xuất Việt Nam nhưng phải xác định có lộ trình xây dựng sản phẩm có thương hiệu riêng.
Vị này cho biết xây dựng thương hiệu là cả vấn đề lớn, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, điển hình như truy xuất nguồn gốc, xanh hóa… mới có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường các nước phát triển. Điều này buộc doanh nghiệp phải xây dựng một chuỗi cung ứng để đảm bảo hàng hóa không chỉ chất lượng, giá cả hợp lý mà còn đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
“Chúng ta xác định hướng vào thị trường có giá trị cao như Mỹ, EU, Anh… thì từng khâu trong chuỗi sản xuất, từng nguyên liệu phải truy xuất nguồn gốc được”, ông Khanh nói.
Còn bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư cho đội ngũ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Vì để xây dựng một thương hiệu ở một thị trường phải hiểu được thị hiếu tiêu dùng tại thị trường đó. Ngoài ra doanh nghiệp phải có năng lực thiết kế mẫu mã, đáp ứng yêu cầu liên tục thay đổi của ngành thời trang.
Ngoài ra, phát triển thương hiệu không nhất thiết phải là doanh nghiệp tự mình xây dựng. Doanh nghiệp có thể tính đến phương án mua lại các thương hiệu đã có tại thị trường quốc tế, tận dụng bề dày lịch sử thương hiệu và có thể tiếp cận được luôn tiêu chuẩn kĩ thuật, hệ thống đánh giá của thương hiệu đó. Đây có thể xem là hướng đi nhanh gọn để doanh nghiệp có thương hiệu tại thị trường quốc tế.
Bà Xuân cho biết, hiện có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó cần hỗ trợ để chính sách này đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi khi sản xuất nguyên phụ liệu. Từ đó doanh nghiệp có động lực chuyển dần từ phương thức gia công sang thiết kế.