CEO Bánh mì Má Hải kể chuyện nhượng quyền cho 1.000 đối tác

(DNTO) - “Chỉ khi đối tác thành công, chúng tôi mới có thu nhập”, ông Đoàn Minh Nhật nói về điểm mấu chốt mà chuỗi Bánh mì Má Hải đặt lên hàng đầu đó là ổn định về nguồn cung và đảm bảo về giá cho đối tác.

Bánh mì Má Hải là điển hình trong việc xây dựng mô hình chuỗi thành công cho món ăn đường phố. Ảnh: T.L.
Ở một thị trường mà bánh mì là món ăn quốc dân, mỗi góc phố có một cửa tiệm bánh mì, thì việc xây dựng thương hiệu bánh mì thành công và nhượng quyền cho 1.000 đối tác đã cho thấy tư duy khác biệt trong việc biến món ăn đường phố, kinh doanh nhỏ lẻ thành mô hình chuỗi.
Trong talkshow mới đây, ông Đoàn Văn Minh Nhựt, đồng sáng lập, CEO của Bánh mì Má Hải, chia sẻ về cách thương hiệu này tồn tại và nhượng quyền thành công trong 10 năm qua.
Mấu chốt là tư duy win – win
Trong hệ thống của Bánh mì Má Hải, 80% đối tác là những những người lao động phổ thông, 20% còn lại là các bạn trẻ muốn tìm hiểu kinh doanh và bắt đầu với mô hình nhượng quyền, hoặc những người đã có sẵn hệ thống kinh doanh như chuỗi cà phê, cửa hàng bách hóa, muốn tối ưu hóa nguồn thu nhập.
Ông Nhựt chia sẻ, trước đại dịch Covid-19, mức giá nhượng quyền của Bánh mì Má Hải là hơn 22 triệu đồng. Nhưng sau dịch, mức giá này giảm xuống 7,5 triệu đồng. Đại dịch làm thay đổi cách thương hiệu này tiếp cận thị trường. Bởi đây là thời điểm rất nhiều người thất nghiệp, phải chuyển đổi công việc. Vì vậy chuỗi phải cắt giảm tối đa chi phí vận hành, set up ban đầu để có thể đưa mô hình tinh gọn nhất đến tay đối tác.
“Chúng tôi gọi đây là chương trình hỗ trợ an sinh lập nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí, thậm chí chịu lỗ một phần trong set up. Chúng tôi mong muốn đối tác có thể ổn định kinh doanh và chúng tôi sẽ kiếm lợi nhuận từ việc cung ứng nguyên vật liệu”, ông nói.
Chi phí nhượng quyền hợp lý là một phần, theo ông Nhựt, quan trọng hơn là phải mang lại hiệu quả về mặt mô hình và thời gian hoàn vốn cho đối tác, đây mới là yếu tố khiến thương hiệu có thể nhân rộng chuỗi.
“Mô hình của bạn phải giúp đối tác kiếm thêm thu nhập, mức thu nhập phải hợp lý để người ta cảm thấy hài lòng thì chuỗi mới có thể nhân rộng. Có những khách hàng của tôi họ đầu tư 7,5 triệu đồng nhưng hoàn vốn ngay trong tháng đầu tiên kinh doanh. Chúng tôi không lấy lợi nhuận từ việc set up ban đầu mà lấy lợi nhuận từ việc cung cấp nguyên vật liệu về sau, nên chỉ khi khách hàng thành công, chúng tôi mới có thu nhập. Đó là điểm mấu chốt về mặt tư duy mà chuỗi phải đặt lên hàng đầu”, ông nói.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, giá nguyên vật liệu cung ứng cho đối tác cũng phải đảm bảo ổn định. Trong sản phẩm Bánh mì Má Hải, cá biển để làm chả cá là nguyên liệu mang tính thời vụ, vì vậy có những thời điểm sẽ khan hiếm. Nếu làm việc với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó để mua được đủ số lượng cung cấp. Vì vậy, Bánh mì Má Hải phải lựa chọn các đơn vị cung ứng lớn, uy tín, ổn định về nguồn cung.
“Đó là lý do từ trước dịch Covid-19 đến hiện tại, chuỗi này chưa từng tăng giá bất kì sản phẩm nào của mình dành cho đối tác nhượng quyền”, vị này nói.
Đối với những người kinh doanh bánh mì nhỏ lẻ, ông Nhựt cho biết, nếu nhìn trực diện thì họ có thể là đối thủ cạnh tranh và nhiều người nghĩ phải triệt tiêu họ. Nhưng ở góc độ khác, họ có thể là đối tác tiềm năng nếu nhận thấy Bánh mì Má Hải có lợi thế về thương hiệu, nguồn cung nguyên vật liệu, giá cả ổn định và trở thành đối tác nhượng quyền. Do đó, góc nhìn khác nhau sẽ cho doanh nghiệp những chiến lược tiếp cận khác nhau.
Không buông lỏng kiểm soát

Có một quy trình nhượng quyền rõ ràng, chặt chẽ giúp Bánh mì Má Hải đảm bảo chất lượng đồng đều trên 1.000 ki ốt. Ảnh: T.L.
Với các sản phẩm F&B, rất dễ để các thương hiệu coppy paste. Đó là lý do Bánh mì Má Hải sử dụng nguyên liệu rất đơn giản: vỏ bánh, nhân gồm chả cá, nước sốt, rau, dưa… nhưng điểm khác biệt là nằm ở công thức chế biến chả cá và nước sốt. Điều này giúp chuỗi dễ dàng kiểm soát chất lượng và cũng dễ dàng nhân rộng.
“Khi bạn thiết kế sản phẩm với công thức quá phức tạp dẫn đến khâu kiểm soát rất cồng kềnh. Tôi đã từng thử nghiệm mô hình bánh mì chả thập cẩm, trong đó có các nguyên liệu như bơ, pate và hơn 10 nguyên liệu khác… nhưng rất khó để nhân rộng. Ví dụ bơ và pate là những nguyên liệu rất khó bảo quản nên rất dễ gây ngộ độc thực phẩm”, ông Nhựt cho biết.
Quản lý chất lượng luôn là thách thức với các chuỗi F&B nhượng quyền. Vì vậy, ông Nhựt cho biết việc này phải được chú trọng ngay từ khâu thiết kế sản phẩm và mô hình. Tất cả các khâu đều có quy trình cụ thể: sản xuất như thế nào, bảo quản tại kho ra sao, khi đưa cho đối tác phải có quy trình hướng dẫn thế nào… phải rất chặt chẽ từ đầu chuỗi đến cuối chuỗi. Bánh mì Má Hải chú trọng trong việc bảo vệ thương hiệu quả mình để thương hiệu có thể tiếp tục lan tỏa tích cực. Đây cũng là cách thương hiệu tạo ra lợi thế cạnh tranh cho đối tác nhượng quyền.
“Chúng tôi từng gặp trường hợp là khi đối tác giao vận gặp sự cố về xe, khiến thời gian vận chuyển nguyên liệu kéo dài và nhiệt độ bảo quản tăng lên, có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. May mắn chúng tôi có luôn lô hàng khác thay thế, ghi rõ ngày xuất kho, hạn sử dụng cụ thể để đảm bảo cho đối tác. Mặc dù trong trường hợp này, bên thứ 3 phải chịu trách nhiệm nhưng chúng tôi vẫn phải là người đứng ra chịu trách nhiệm với đối tác và người tiêu dùng của mình. Quy trình kiểm soát cực kì quan trọng là như vậy”, ông ví dụ.
Sau các chương trình như Startup Wheel, Shark Tank Vietnam, Bánh mì Má Hải được nhiều đối tác trong và ngoài nước như Campuchia, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông biết đến. Tuy nhiên, đại diện thương hiệu cho biết thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa khai thác. Vì vậy, hiện tại thương hiệu chọn cách tập trung nguồn lực, đi đúng hướng để có thể nhượng quyền trên 64 tỉnh thành, vì có rất nhiều vùng miền trong nước mà thương hiệu chưa đặt chân tới.
Thương hiệu đặt mục tiêu sẽ có 10.000 đối tác nhượng quyền trên cả nước. Trong tương lai gần, thương hiệu này hướng tới một số thị trường nước ngoài có khẩu vị giống Việt Nam như Đông Nam Á, Đông Á.