Chuyên gia Nguyễn Phi Vân và quy tắc ba chìa khoá 'vàng' trong nhượng quyền thương hiệu

(DNTO) - Nhà đầu tư phải hiểu bản thân mình đang thế nào; phải tận dụng được tối đa nguồn lực sẵn có của thương hiệu; đồng thời biết làm việc trên tinh thần cộng tác, bỏ qua sự than phiền và tranh chấp..., khi đó, những chìa khoá "vàng" sẽ mở ra cánh cửa thành công trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu.
Theo số liệu từ Sở Công thương, trong năm 2022, tại Việt Nam có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng để tiếp tục ở lại thị trường, con số này vào năm 2021 là 26 và trong năm 2020 là 22.
Tuy nhiên, một thực tế khó chối cãi là nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu biết đúng đắn và đầy đủ trong nhượng quyền, dẫn đến nhiều mâu thuẫn tranh chấp đáng tiếc thời gian qua, thậm chí làm ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Nhằm kết nối giữa các chủ thương hiệu và nhà đầu tư tiềm năng, cũng như chia sẻ những kiến thức bài học thực tế giúp nhà đầu tư đưa ra những lựa chọn phù hợp, qua đó góp phần chuyên nghiệp hoá thị trường nhượng quyền trong nước, Công ty Go Global Holdings đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công” vào hôm nay, 27/5.
Cộng tác - cộng tác - cộng tác
Tại hội thảo, chuyên gia nhượng quyền quốc tế, bà Nguyễn Phi Vân, sáng lập, Chủ tịch của Go Global Holdings đã chia sẻ cùng nhà đầu tư và chủ thương hiệu “ba chìa khóa đầu tư" để nhượng quyền thành công.
Chìa khoá thứ nhất, nhà đầu tư phải hiểu chính mình, nhìn nhận bản thân ở các mặt như khả năng tài chính, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị, phong cách sống, quỹ thời gian... Từ đó, nhà đầu tư mới có thể tìm được phong cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân.
"50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết", bà Nguyễn Phi Vân cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ tại hội thảo.
Khi đã tham gia thương vụ nhượng quyền, chìa khoá thứ hai mà nhà đầu tư cần ghi nhớ chính là phải tận dụng tối đa nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền.
"Bí quyết thành công nằm ở việc nhà đầu tư nhận quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo bà, điều hay và đặc biệt nhất trong nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã có nền tảng hỗ trợ chắc chắn. Đó chính là nguồn lực lớn mà họ phải tận dụng tối đa.
Cuối cùng, chìa khoá thứ ba chính là: Cộng tác - cộng tác - cộng tác, hay chính là kết nối, hỗ trợ để cùng nhau phát triển.
"Các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp", bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Nhượng quyền mô hình công nghệ: Xu hướng của tương lai
Theo các chuyên gia tại hội thảo, các mô hình startup công nghệ tài chính (fintech), công nghệ quản lý tài sản (wealth tech), công nghệ thiết bị bay không người lái (drone), các dịch vụ cung cấp qua app, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm… đều đã có những mô hình nhượng quyền và cấp phép được triển khai. Các startup công nghệ tại Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng hình thức nhượng quyền để tăng tốc phát triển.
Việc đưa công nghệ vào tối ưu hoá quy trình vận hành, quản trị đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mô hình nhượng quyền công nghệ, tạo ra nhiều kênh doanh thu mới, gia tăng doanh số, tăng độ trung thành và tương tác của khách hàng với thương hiệu. Đây sẽ là một xu thế quan trọng trong tương lai với lĩnh vực nhượng quyền.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công”
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù là mô hình công nghệ hay không thì để nhượng quyền thành công vẫn phải giải được bài toán hiệu quả kinh doanh, điểm mấu chốt thu hút nhà đầu tư.
Hiện ngành nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6.3%, tại Mỹ là 5.1%, tại Úc là 9%, tại Canada là 10%.
Ngoài GDP, đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, lao động tầm cỡ cho nền kinh tế. Với lý do đó, rất nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.