Livestream ngày đêm trên TikTok: Thương hiệu đang chăm sóc khách hàng như ‘tán tỉnh một cô gái’
(DNTO) - Tại các phiên livestream,đại diện thương hiệu có thể ngay lập tức trả lời câu hỏi của khách hàng chỉ trong vài giây, thay vì mất vài ngày theo quy trình cũ.
Là một thương hiệu mỹ phẩm đình đám đến từ New York (Mỹ), đã phủ sóng 130 quốc gia, nhưng trên nền tảng mạng xã hội TikTok, Maybeline vẫn chỉ là con số 0. Xu hướng mua sắm online bùng nổ đã kéo khách từ các cửa hàng vật lý sang cửa hàng trên mạng xã hội, buộc hãng mỹ phẩm hơn 100 năm tuổi cũng phải thay đổi.
Maybeline hiện đã có mặt trên TikTok, nền tảng mạng xã hội có gần 50 triệu người dùng ở Việt Nam. Nhãn hàng lên chiến lược livestream 4-5 phiên mỗi ngày, mỗi phiên một chủ phòng khác nhau với các sản phẩm chiến lược, giảm giá sâu để ghi vào đầu khách hàng là nhãn hàng đã hiện diện trên TikTok.
Hãng cũng tăng số lượng video ngắn lên 4-6 video mỗi tuần giới thiệu về sản phẩm và các sự kiện lớn. Bắt tay cùng các nhà sáng tạo nội dung và ngôi sao hàng đầu trên Tiktok cùng thực hiện video ngắn và tham gia vào livestream của thương hiệu.
“Thời gian đầu, Maybeline cũng phải đối diện với những phiên livestream có số lượng người vào xem rất ít. Nhưng hãng đặt giá cạnh tranh hơn trên TikTokShop đối với các kênh bán hàng khác và tiến hành livestream, tăng số lượng video quảng bá. Nhờ vậy, doanh thu tăng trưởng 200 lần, tăng 120.000 lượt xem livestream, tăng 138.000 lượt theo dõi”, bà Alice Trương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh TikTokShop, cho biết.
Bên cạnh đưa sản phẩm, dịch vụ lên các kênh thương mại điện tử (Shopee, Lazada…), rất nhiều thương hiệu lớn hiện nay đã có mặt trên các nền tảng mạng xã hội như để tiếp cận khách hàng. Có những doanh nghiệp thực hiện tới 15 phiên livestream mỗi ngày, liên tục trong 2 tuần để xây dựng thương hiệu. Có những doanh nghiệp ngay lập tức mở các phiên đào tạo nội bộ về livestream để bắt kịp sóng.
Theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, năm 2022, xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, TikTok...) tiếp tục tăng mạnh khi có tới 65% doanh nghiệp đang sử dụng hình thức kinh doanh này.
Mạng xã hội vẫn được đánh giá là kênh đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động bán hàng hóa dịch vụ thông qua các kênh trực tuyến (43% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả đem lại thông qua mạng xã hội), vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử.
Ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch kiêm CEO Validus, nền tảng công nghệ tài chính có mặt tại 4 quốc gia, ví việc tìm kiếm và chăm sóc khách hàng giống như việc tán tỉnh một cô gái, tán tỉnh đã khó mà giữ được mối quan hệ còn khó hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng vậy, chỉ chú trọng tìm kiếm khách hàng mới mà quên đi việc phải chăm sóc khách hàng cũ. Nhưng hiện trên livestream, doanh nghiệp có thể làm 2 việc này cùng lúc.
“Chúng tôi có rất nhiều đối tác đang kinh doanh trên TikTok, 70% khách hàng của họ là khách hàng mua đi mua lại. Phần lớn mô hình bây giờ là họ livestream giống như một hoạt động chăm sóc khách hàng online, không giống như là trước kia phải tới shop, gặp nhân viên sale hay gọi tổng đài mới là chăm sóc khách hàng, mà nay chính người livestream là người luôn online và sẵn sàng trả lời bất kì câu hỏi nào của khách hàng. Dẫn đến việc khách hàng sẽ mua đi mua lại trên một phiên livestream, đó là lý do các doanh nghiệp suốt ngày livestream và chăm sóc khách hàng”, ông Bình cho hay.
Ông Bùi Huy Dũng, Tổng Giám đốc Accesstrade (đơn vị tiếp thị liên kết nối 1,5 triệu nhà bán hàng và 1.000 thương hiệu), cho biết năm vừa qua là năm bùng nổ mạnh mẽ của TikTok và những nền tảng liên quan đến livestream.
Trước đây, Facebook cũng đã có giải pháp cho livestream, nhưng do một số điểm chưa hoàn thiện về hạ tầng nền tảng và thời điểm đó chưa có nhiều người livestream và KOC (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) có thể làm livestream, nên hoạt động kinh doanh này chưa thực sự bùng nổ. Nhưng trong 1 năm trở lại đây đã khác với sự bùng nổ của người livestream, live commerce (thương mại trực tiếp) và hành vi khách hàng thay đổi.
“Ngày xưa rất khó bán hàng qua livestream nhưng nay bán hàng rất dễ”, ông Dũng nói.
Mặc dù KOL, KOC là một trong những nhân tốt thúc đẩy thương mại xã hội, là “cánh tay” nối dài của thương hiệu nhờ lượng người theo dõi đông đảo nhưng cũng là nhân tố có thể khiến khách hàng quay lưng với doanh nghiệp.
Bởi lẽ, không ít các KOL trên mạng xã hội nổi tiếng do các chiêu trò, thiếu kiến thức chuyên môn, cách giao tiếp với công chúng còn kém văn minh. Nhiều KOL nhận tiền của doanh nghiệp và đánh giá sản phẩm một cách thiếu khách quan. Do vậy, việc bán hàng trên mạng là xu hướng không thể bỏ qua, nhưng việc lựa chọn cách thức truyền đạt thông tin qua KOL, KOC như thế nào cần phải cân nhắc rất kĩ.
“Gần đây do kinh tế khó khăn nên các nhãn hàng cũng bớt tung ra các chương trình khuyến mại, truyền thông. Nhưng sang quý 2, nhận định từ Accesstrade là các nhãn hàng bắt đầu bung ngân sách trở lại và dự kiến sẽ chứng kiến làn sóng trở lại của các KOL, KOC nhiều hơn. Nhưng nền tảng công nghệ chỉ chiếm 50% trong câu chuyện sử dụng KOC thôi, còn 50% nằm ở phương pháp sử dụng KOL, KOC như thế nào”, đại diện Accesstrade nhấn mạnh.