Kế hoạch 10 năm được giới thiên văn Mỹ chuẩn bị để khám phá vũ trụ
(DNTO) - Nằm trong danh sách những việc phải làm của các nhà thiên văn học Hoa Kỳ trong thập kỷ tới là lắp đặt hệ thống kính thiên văn khổng lồ, hay siêu viễn vọng kính, để tìm kiếm sự sống và các thế giới có thể sinh tồn được bên ngoài Trái đất.
Các nhà thiên văn học Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi quốc gia đầu tư vào một thế hệ kính thiên văn trị giá hàng tỷ đô-la với kích cỡ cực lớn, bề thế hơn bất kỳ viễn vọng kính nào đang hiện diện trên Trái đất hoặc đang hoạt động trong quỹ đạo bầu trời. Sau khi hoàn thành, thiết bị khủng này, với hệ gương hội tụ chính có đường kính 25, 30 mét, sẽ nhạy hơn khoảng 100 lần so với bất kỳ kính thiên văn nào hiện đang hoạt động.
Chúng sẽ cho phép các nhà thiên văn học quan sát sâu được vào tâm của các thiên hà xa xôi, nơi những lỗ đen khổng lồ đi lang thang và thấy cả được từng đợt năng lượng phun trào. Hệ thống siêu viễn vọng kính còn có thể giúp thám sát và truy tìm những bí ẩn vũ trụ khác như vật chất và năng lượng tối, đồng thời cũng hỗ trợ nghiên cứu dải hành tinh xung quanh các ngôi sao khác, ngoài mặt trời. Tuy nhiên điều có lẽ quan trọng hơn là, kính có thể đặt ra những câu hỏi mới về bản chất của vũ trụ.
Thế nhưng, để hoàn thành ước mơ này các nhà thiên văn chắc phải trầy trật rất nhiều năm may ra mới quyên góp đủ tiền thực hiện. Trong một đề xuất mới đây, Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố sẽ chỉ cung cấp được 1,6 tỷ đô-la, do vậy việc hiện thực toàn bộ dự án và vận hành chương trình mới mang tên Siêu đại viễn vọng kính này vẫn còn nhiều thách thức.
Đi kèm kế hoạch, giới thiên văn nước sở tại cũng thúc giục NASA bắt tay vào hai chương trình lớn mang tên Great Observatories Mission và Technology Maturation Program nhằm phát triển một loạt các tàu vũ trụ vật lý thiên văn trong vòng 20 đến 30 năm tới. Siêu kính thiên văn hậu duệ của Hubble sẽ đồng hành với cặp đôi đề án vừa kể cùng hoạt động tìm kiếm và nghiên cứu các hành tinh giống Trái đất đang lang thang ngoài không gian vũ trụ có khả năng sinh sống được. Nếu gom góp đủ 11 tỷ USD, toàn bộ kế hoạch của NASA có thể sẵn sàng vào guồng trong năm 2040.
Nội dung của báo cáo 614 trang về kế hoạch trình duyệt bao gồm kết quả khảo sát cộng đồng, mô tả về tính khả thi trong chế tạo kính, các sứ mệnh không gian sẽ được phóng, toàn bộ thí nghiệm hoặc quan sát cần thiết phải được thực hiện và đa dạng vấn đề ngành thiên văn phải giải quyết. Kết hợp với cặp kính viễn vọng không gian Hubble - phóng năm 1990, hiện đang hoạt động - và James Webb – dự kiến phóng vào tháng tới – hệ thống viễn vọng kính mới được kỳ vọng sẽ đáp ứng mục tiêu thám sát vũ trụ của NASA.
Ý tưởng về một Siêu đại viễn vọng kính của Hoa Kỳ còn xuất phát từ tham vọng tranh thế thượng phong trong lĩnh vực thiên văn thế giới. Nó liên quan đến sự hiện diện của những dự án kính thiên văn đối thủ. Nghĩa là kính viễn vọng đường kính 30m được lên kế hoạch đặt tại đỉnh Mauna Kea ở Hawaii này sẽ cạnh tranh với kính viễn vọng Magellan của Chile hay European Extremely Large Telescope khổng lồ đường kính 39m của châu Âu đang được triển khai tại sa mạc Atacama.
Những thập kỷ tới sẽ đặt ra cho nhân loại một con đường xác định giữa hai câu hỏi “Liệu con người có mãi đơn độc hay không?” và “Có khả năng nào chúng ta là sinh vật sống duy nhất trong thiên hà, thậm chí trong vũ trụ?”. Hệ thống siêu viễn vọng kính thế giới ra đời trong tương lai sẽ phần nào giúp trả lời những vấn nạn ấy!