Hết thời để TikTok, Facebook ‘làm mưa, làm gió’
(DNTO) - Các nền tảng mạng xã hội đang phải đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc là thanh lọc nội dung độc hại, hoặc chấp nhận ngừng hoạt động, khi nhiều quốc gia mạnh tay hơn trong việc kiểm soát nội dung trên mạng.
Vòng kim cô siết dần
Trong nửa đầu năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra toàn diện một nền tảng xuyên biên giới lớn - TikTok. Đây cũng là lần đầu tiên một nền tảng xuyên biên giới buộc phải ký thừa nhận sai phạm, có biện pháp khắc phục cụ thể, nếu không muốn bị cấm hoạt động tại Việt Nam.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chấn chỉnh, xử phạt và buộc TikTok phải khắc phục sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết.
Hiện TikTok đã thực hiện gỡ 415 link vi phạm và 149 tài khoản vi phạm, đáp ứng 92% yêu cầu của cơ quan quản lý.
Theo Oberlo, tính đến tháng 5 năm nay, Việt Nam có khoảng 50,6 triệu người sử dụng TikTok, tương đương ½ dân số Việt Nam. Trước đó, cơ quan chức năng chỉ ra 6 sai phạm của TikTok liên quan đến việc buông lỏng kiểm soát các nội dung độc hại liên quan đến chính trị, trẻ em, người tiêu dùng.
Tính chung các mạng xã hội, Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng, với nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm…(theo We are social). Cục Trưởng Lê Quang Tự Do cho biết trong nửa cuối năm nay, sẽ tiếp tục mở rộng xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang dùng “vòng kim cô” để siết chặt hoạt động của các nền tảng mạng xã hội.
Hôm 30/6, các nhà lập pháp Anh đã bổ sung thêm biện pháp bảo vệ trong Dự luật An toàn Trực tuyến. Theo đó, các CEO mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân, thậm chí bị phạt tù nếu không giữ an toàn cho trẻ em, người dùng trên nền tảng của họ.
Cả Liên minh châu Âu hiện cũng đang nỗ lực bảo vệ người dùng mạng xã hội, đặc biệt là nhóm trẻ em, khỏi nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội.
Các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, Instagram cũng từng nhiều lần bị các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Nigeria, Ấn Độ, Triều Tiên, Iran… cấm vì gây ảnh hưởng đến chính trị.
Riêng với TikTok, nền tảng này hiện đã bị cấm trên thiết bị của nhân viên tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Ủy ban châu Âu (EC), Úc, Anh, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, New Zealand, Hà Lan, Ấn Độ và Đài Loan.3 quốc gia cấm cửa hoàn toàn TikTok gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Các nước khác như Indonesia, Pakistan nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời nền tảng này.
Bài học nhập gia tùy tục
Nhiều năm nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram… sống dựa vào khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng.
Tiktok đã giúp công ty mẹ ByteDance đạt doanh thu 80 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 20 tỷ USD so với năm 2021, theo Bloomberg. Meta, tập đoàn mạng xã hội sở hữu Facebook và Instagram, cũng đạt doanh thu hơn 116 tỷ USD trong năm qua.
Các mạng xã hội khai thác dữ liệu từ người dùng để kiếm tiền nhưng lại phớt lờ trước việc bảo vệ người dùng, là hành động không thể chấp nhận được.
Hiện nay, không chỉ các hoạt động mua sắm, nhiều hoạt động tương tác xã hội đã chuyển từ đời sống thực lên không gian mạng. Có thể nói, mạng xã hội đã hình thành đời sống mới, văn hóa mới và tác động cả đến cách vận hành nền kinh tế và chính trị. Sự lan truyền thông tin trên mạng xã hội đã nhanh đến mức thông tin có thể truyền phát song song với sự việc thực, thông qua hình thức livestream (phát trực tiếp).
Nhưng thông tin lan truyền một cách nhanh chóng nhưng lại thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Nhiều đối tượng ẩn sau lớp vỏ “vì dân, vì nước” mà lan truyền thông tin xuyên tạc về Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội. Nhiều đối tượng chỉ vì câu view, câu like mà không ngần ngại lan truyền thông tin khiêu dâm, độc hại ảnh hưởng tới trẻ em. Nhiều cá nhân đang ngồi ăn phở vỉa hè nhưng có thể ngay lập tức đang trở thành đối tượng bị công kích tập thể trên mạng xã hội.
Do vậy, các quốc gia buộc phải vào cuộc để siết chặt hoạt động, thậm chí có thể cấm cửa vĩnh viễn các nền tảng mạng xã hội. Bởi các quốc gia tốn rất nhiều nguồn lực cho việc truyền thông về chủ trương, chính sách, quảng bá văn hóa, xây dựng cộng đồng, vận hành xã hội, nền kinh tế, hay công tác đối ngoại. Họ sẽ không chấp nhận để những thông tin lệch hướng phá vỡ những nỗ lực này. Bởi những đồng thuế mà các công ty này đóng cho các quốc gia sẽ không thể nào bù đắp được những tổn hại về tinh thần, văn hóa, chính trị của các quốc gia đó.
Vì vậy, để hoạt động và phát triển một cách bền vững, các nền tảng mạng xã hội không nên chỉ chạy đua với các đối thủ mà cần hướng tới xây dựng giá trị cho người sử dụng và cộng đồng. Bởi nếu tiếp tục câu view bằng những nội dung độc hại, người dùng có thể chưa tẩy chay mạng xã hội, nhưng các cơ quan chức năng sẽ thẳng tay làm điều đó.