Doanh nghiệp dệt may mất 2,2 tỷ đồng/tuần để duy trì ‘3 tại chỗ’
(DNTO) - Thời gian duy trì thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài khiến chi phí tăng vọt, cộng thêm việc thiếu lao động khiến doanh nghiệp dệt may rất khó khăn khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất.
Khảo sát ngành dệt may – da giày trong làn sóng Covid-19 năm 2021 của VITAS và LEFASO vừa công bố cho thấy, trong quý 3/2021, 17 khu công nghiệp của TP.HCM chỉ hoạt động ở 26,4% công suất. Trong số doanh nghiệp ở khu vực thực hiện Chỉ thị 16, có 65,3% doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng hoạt động trong tháng 9/2021; trong khi 62,7% doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động trong mùa dịch, chi phí "3 tại chỗ" (phụ cấp, ăn ở, xét nghiệm) trung bình 2,2 tỷ/tuần cho một nhà máy có 1.000 lao động. Thời gian thực hiện "3 tại chỗ" trung bình 10,4 tuần. Như vậy, doanh nghiệp phải mất đến 22,8 tỷ đồng.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến tiến độ hoàn thành đơn hàng của doanh nghiệp dệt may. Có tới 48,4% đơn hàng dệt may giao chậm và 68,1% nhãn hàng phạt doanh nghiệp vì chậm tiến độ giao hàng.
Với mức chi phí lớn cho việc thực hiện "3 tại chỗ" cùng với việc bị phạt đơn hàng, không đủ nhân lực hoàn thiện đơn hàng, đã có 27,1% doanh nghiệp ngừng hoạt động; chỉ 17,1% doanh nghiệp có thể duy trì từ 1-3 tháng; 11,4% doanh nghiệp có thể duy trì 3-6 tháng và 36,2% doanh nghiệp dệt may có thể hoạt động trên 6 tháng,
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với việc thiếu nguồn lao động khi tái sản xuất. Theo khảo sát, hiện trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, gia đình. Những người này đều kiệt quệ về tâm lý, sức khỏe và kinh tế trong thời gian giãn cách. Nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy.
“Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung – cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước, mà việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay cho chủ trương 'Không có Covid-19'", ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay.