Dễ dàng tra cứu thông tin về các hiệp định thông qua cổng thông tin điện tử về các FTA
(DNTO) - Sáng 23/12, Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do (FTA PORTAL) của Việt Nam chính thức khai trương. Đây là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, chính xác, tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại.
Cổng thông tin điện tử về các FTA Việt Nam tích hợp các thông tin trong các FTA đa phương, khu vực và song phương của Việt Nam, cho phép doanh nghiệp và người dân dễ dàng tra cứu kết quả mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi và các thủ tục cần thực hiện và các biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu/nhập khẩu mặt hàng đó…
Cổng sẽ cập nhật thường xuyên tình hình và kết quả triển khai thực thi các Hiệp định FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý tại các phiên họp Hội đồng, Ủy ban có liên quan trong các Hiệp định này.
Các văn bản pháp luật thực hiện các Hiệp định FTA Việt Nam do cơ quan quản lý ban hành sẽ được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử về các FTA. Ngoài ra, các hội nghị, hội thảo hoặc khóa tập huấn dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ được thường xuyên cập nhật để doanh nghiệp hoặc những tổ chức, cá nhân quan tâm có thể đăng ký tham gia.
Bộ Công thương cho biết, điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân có được thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA này mang lại.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 Hiệp định và đang đàm phán 2 Hiệp định với các đối tác khác. Trong số các FTA này, có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Sau khi kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.