Sản xuất trong nước sẽ gặp rủi ro nếu doanh nghiệp không tuân thủ cam kết của UKVFTA
(DNTO) - Sự cạnh tranh đối với nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ gia tăng; rào cản về quy chuẩn kĩ thuật hay cam kết “phi truyền thống” sẽ tạo sức ép, thậm chí gây rủi ro cho ngành sản xuất nếu doanh nghiệp vi phạm các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA).
Việt Nam và Anh vừa kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do UKVFTA. Theo lộ trình, Hiệp định UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, với 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Theo Bộ Công thương, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu sẽ tăng trưởng xuất khẩu khi tận dụng những ưu đãi về thuế từ Hiệp định này.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội về thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng nguồn cung hàng hóa, Hiệp định UKFVTA cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước.
Bộ Công thương cho biết, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…
Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm.
“Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp. Do đó trong quá trình thực thi, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý các cam kết này”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Công thương, hiện rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Đối với mặt hàng dệt may, mặc dù Hiệp định tạo thuận lợi trong việc mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, do đó, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu để tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của Hiệp định.
Theo Bộ Công Thương, dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn bởi tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh.
Khi UKVFTA được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi có thể tiết kiệm lên tới 114 triệu Bảng Anh (hơn 3.487 tỉ VNĐ) tiền thuế xuất khẩu. Đối với Vương quốc Anh, con số này là 36 triệu Bảng Anh (hơn 1.100 tỉ VNĐ).