5 mặt hàng sẽ hưởng lợi sau Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh
(DNTO) - Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2021, với 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xóa bỏ, kì vọng sẽ giúp một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.
Bộ Công thương nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) đi vào thực thi sẽ thúc đẩy xuất khẩu dệt may, giày dép, gạo, thủy sản, đồ gỗ… của Việt Nam tăng trưởng.
Hàng dệt may
Trung Quốc hiện đang chiếm thị phần lớn nhất vào Anh. Tuy nhiên, 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Trung Quốc vào thị trường Anh giảm 8%. Ngoài ra, các thị trường cung cấp sản phẩm dệt may cho Anh còn có Bangladesh, Campuchia và Pakistan đều có lợi thế hơn so với Việt Nam về thuế suất (Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA, Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+).
Bởi vậy, theo Bộ Công thương, FTA giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan giúp hàng hóa của ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.
Giày dép
Trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh (trong đó có Trung Quốc, Hà Lan, Ý, Bỉ, Đức), năm 2019, Việt Nam vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2, lên tới 6,7%. Vì vậy theo Bộ Công thương, việc giảm thuế khi UKVFTA đi vào thực thi sẽ giúp giày dép Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
Gạo
Mặt hàng gạo của Việt Nam sang Anh kì vọng tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu gạo của Anh năm 2019 là 671 nghìn tấn, tăng 10% so năm 2018. Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%.
Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0,2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh. (nguồn: UN Comtrade statistic)
Theo Bộ Công thương, mức thuế vẫn cao nên khiến gạo Việt khó cạnh tranh với các nước khác nên sau khi hiệp định giữa hai bên đi vào thực thi, gạo Việt sẽ có ứu thế hơn so với các đối thủ.
Thủy sản
Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm (nguồn: số liệu thống kê của ITC). Tuy nhiên giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7% tổng thị trường nhập khẩu thủy sản của Anh.
Bộ Công thương cho hay, dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu từ Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp.
Đặc biệt, sản phẩm cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh, do mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.
Gỗ và sản phẩm gỗ
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh. Dẫn đầu hiện đang là Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ. (nguồn: ITC).
Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.
Bộ Công thương đánh giá, FTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.
Năm 2019, có 10 mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam sang Anh gồm: bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gile và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc, áo choàng, áo sơ mi và áo choàng sơ mi phỏng kiểu nam dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo phông, áo may ô và các loại áo lót khác…