Đầu tư cho hoạt động giải trí, các siêu ứng dụng nhận lại được gì?
(DNTO) - Hàng loạt chương trình giải trí trên Shopee, Lazada, MoMo…, ra đời đã cho thấy các siêu ứng dụng có thêm nhiều toan tính trong hành trình thu hút và giữ chân khách hàng.
MoMo, ví điện tử lớn nhất Việt Nam hiện đã có khoảng 31 triệu người dùng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều ví điện tử khác như VNPay, Moca, Zalo Pay, Shopee Pay…, MoMo cũng luôn “đau đầu” nghĩ giữ chân khách hàng và thu hút thêm khách hàng mới.
“Trong thời buổi công nghệ, khách hàng cần trải nghiệm, đó là việc đăng kí, sử dụng dịch vụ dễ dàng, nhanh chóng, tương tác với người khác đơn giản và không chỉ dùng một mình mà có thể dùng với đối tác, bạn bè. Quan điểm của chúng tôi là phải làm cho khách hàng vui, vì nếu họ đến với MoMo chỉ để thanh toán thì họ cũng có thể tìm đến ứng dụng khác, hoặc có thể chỉ sử dụng một tháng một lần”, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết.
Để làm khách hàng “vui”, MoMo xây dựng hàng loạt chương trình giải trí như gameshow Tường lửa, MoMo Jump: Siêu hội nhảy bật - Nhảy là trúng tiền, Lắc Xì MoMo… bên cạnh việc mở rộng hệ sinh thái của mình, tích hợp hàng loạt lĩnh vực khác như du lịch, bảo hiểm, đầu tư, thương mại điện tử…
Hay Shopee, sàn thương mại điện tử với hơn 90 triệu lượt truy cập hàng tháng, cũng chú trọng đến việc làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của khách hàng, bên cạnh việc mua sắm hàng hóa. Cụ thể, Shopee đã xây dựng nhiều trò chơi nổi bật như Nông trại Shopee, Quà tặng Shopee, Truy tìm mảnh ghép…
Đặc biệt, gần đây, Shopee bắt tay cùng các kênh truyền hình xây dựng chương trình giải trí mua sắm “Nói vui mua nhiều”, với sự tham gia của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, giúp khách hàng vừa thư giãn, vừa có thêm kiến thức làm đẹp, chăm sóc sức khỏe và nhận phần quà hấp dẫn.
Giống như Shopee, Lazada cũng trong cuộc đua biến việc mua sắm khách hàng trở nên thú vị hơn, thông qua xây dựng hàng loạt các trò chơi như Lazzie Star - Cake Master; LazCity, 1K kỳ diệu Lazada…Đặc biệt, “đặc sản” trong các dịp lễ hội mua sắm của Lazada là các đại nhạc hội trực tuyến, với sự tham gia của hàng loạt ca sĩ hàng đầu, thu hút đông đảo người hâm mộ đồng thời cũng là các tín đồ mua sắm đến sàn.
Công nghệ len lỏi vào sâu hơn trong đời sống người dân kể từ sau đại dịch Covid-19, khi các yêu cầu giãn cách xã hội đặt ra, buộc mọi người phải tìm đến công nghệ để duy trì kết nối, tương tác với xã hội. Vì vậy, nhu cầu trải nghiệm dịch vụ công nghệ càng gia tăng nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở nhu cầu sử dụng ứng dụng dễ dàng, nhanh chóng, người dùng còn mong muốn thông qua một ứng dụng có thể dễ dàng tương tác với đối tác, bạn bè; đồng thời có thể giải trí.
Khảo sát của TikTok năm 2021 với hơn 1.800 người dùng Đông Nam Á cho thấy, cứ 3 người thì có 1 người mong muốn trải nghiệm mua sắm thú vị.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam nhận định, xu hướng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) giúp các nền tảng trở thành điểm đến tích hợp, dễ dàng thu hút cảm tình của khách hàng khi họ có thể chơi trò chơi, giao lưu với những người nổi tiếng và thu thập ưu đãi từ sàn để mua sắm.
Còn MoMo cho biết, trong 31 triệu người dùng của mình, có tới một nửa thường xuyên tham gia các hoạt động giải trí do ví điện tử tổ chức. Việc này thúc đẩy thói quen của khách hàng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Dẫu việc tổ chức các chương trình giải trí cũng khiến các siêu ứng dụng thâm hụt khoản ngân sách không nhỏ từ khâu tổ chức, mời nghệ sĩ, quà tặng… nhưng giúp siêu ứng dụng thu lại nhiều thành quả khi thu hút, giữ chân và tạo lập thói quen người tiêu dùng, đồng thời giúp các nhà bán hàng có không gian để tăng tương tác với khách hàng, tạo ra hiệu quả kinh doanh trên ứng dụng.
Tuy vậy, cũng theo các chuyên gia, yếu tố giải trí chỉ là phụ trợ, quan trọng nhất là các ứng dụng vẫn phải tập trung vào sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của mình. Bởi khách hàng hiện nay rất dễ bị thu hút bởi những cái mới, nhưng cũng rất nhanh chóng quay lưng khi cảm thấy thất vọng vì họ có hàng ngàn lựa chọn khác bên ngoài.