Công ty Satraseco tăng giá thuê tại Chợ Đại Quang Minh có hợp lý?
(DNTO) - Dù đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng vụ việc giữa các tiểu thương ở Chợ Đại Quang Minh và Công ty Satraseco vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Liên quan đến vụ việc các tiểu thương tại Trung tâm thương mại Đại Quang Minh, quận 5 (Chợ Đại Quang Minh) không đồng ý với và giá thuê mới do Satraseco (đơn vị sở hữu quầy sạp cho thuê) đưa ra, tại đơn kiến nghị, các tiểu thương của Chợ Đại Quang Minh cho biết, giá thuê tăng gấp đôi là quá sức chịu đựng của tiểu thương. Việc phát sinh tiền đặt cọc tương đương 3 tháng tiền thuê quầy sạp mà trước đây không áp dụng là chiếm dụng vốn kinh doanh của tiểu thương. Theo văn bản này, bà con tiểu thương Chợ Đại Quang Minh khẳng định không phản đối việc tăng giá thuê nhưng Satraseco phải thực hiện việc nâng cấp cơ sở vật chất hoàn chỉnh như cam kết mới có cơ sở tăng giá tương xứng. Đồng thời yêu cầu Satraseco: Nâng thời hạn hợp đồng lên ít nhất 2 năm, chu kỳ tăng tiền thuê 2 năm/lần và mỗi lần không quá 10%; không buộc đóng tiền ký quỹ; cải tạo và sửa chữa cơ sở vật chất đang xuống cấp…Các tiểu thương ở đây cũng cho rằng, khu chợ là đất của Satraseco nhưng tài sản trên đất là do họ bỏ tiền ra mua lại nên có quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt nhất định cùng với công ty.
Về phía Satraseco, tại văn bản số 327/VB-SATRASECO gửi chính quyền và các phòng ban quận 5 cho biết, Công ty Satraseco là chủ thể có quyền quyết định đối với Trung tâm thương mại, do đó Satraseco đã thực hiện ký kết Hợp đồng cho thuê quầy sạp với 138 tiểu thương. Nội dung Hợp đồng cụ thể: Thời hạn thuê từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020; Giá thuê quầy sạp mỗi tháng phổ biến từ 2 -5 triệu đồng (trung bình khoảng 3 triệu đồng/sạp).
Hiện thời hạn chấm dứt hợp đồng là vào ngày 31/12/2020, theo nguyên tắc, các bên không tham gia ký kết hợp đồng mới, Satraseco có quyền chấm dứt hợp đồng và thu hồi mặt bằng, quầy sạp mà không cần bất kỳ điều kiện nào ràng buộc.
Tuy nhiên, thấu hiểu được sự khó khăn của các tiểu thương nói riêng sau đại dịch Covid-19, Satraseco đã gia hạn hợp đồng (từ 1/1/2021-6/2022) với mức giá cũ, thấp hơn so với thị trường hiện tại. Đến nay tình hình kinh tế đã được phục hồi Công ty mới tiến hành giao kết hợp đồng mới và đề xuất mức giá thuê mới để các bên cùng thỏa thuận ký kết.
Trong lộ trình tăng/giảm giá, Satraceco đã giảm giá tiền thuê trong năm 2020 và 2021. Cụ thể, giảm 50% tiền thuê trong 5 tháng và 1 tháng không tính tiền thuê. Dù đã hết thời hạn hợp đồng hơn 1 năm nhưng công ty vẫn giữ ổn định giá thuê trong 6 tháng đầu năm 2022. Hợp đồng mới được thực hiện từ tháng 7/2022, điều chỉnh tăng nhưng chia thành 2 giai đoạn, 6 tháng đầu sẽ tăng từ 40-60% (mức tuyệt đối chỉ tăng từ hơn 1 triệu đồng/tháng), 6 tiếp theo sẽ tăng từ 40 - 50% (mức tuyệt đối chỉ tăng từ hơn 1 triệu đồng/tháng).
Thực tế thì giá thuê quầy bình quân tại Chợ Đại Quang Minh trung bình là 3 triệu đồng/tháng, khi tăng 50-100% thì số tuyệt đối tăng chỉ khoảng một vài triệu đồng, số tiền này không lớn so với doanh thu của tiểu thương.
Đưa ra lý do điều chỉnh tăng giá thuê cho hợp đồng mới, Satraseco nêu rõ: thời gian qua, công ty phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, thuê đất với cơ quan Nhà nước, chịu các chi phí quản lý, vận hành của Trung tâm thương mại bị đội lên rất nhiều, do giá cả thị trường đối với mọi mặt hàng đều tăng giá, trong khi mức giá cho thuê vẫn giữ nguyên trong nhiều năm. Vì vậy, việc tăng giá ở thời điểm hiện tại là phù hợp với thị trường. Dù điều chỉnh tăng nhưng, mức giá Satraseco cho thuê vẫn thấp hơn so với thị trường.
Satraseco cũng đang triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm thương mại nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, phục vụ tiện ích cho các tiểu thương và khách hàng, nên mức giá thuê mới là phù hợp với cơ sở vật chất, công năng và giá trị mà các tiểu thương nhận được.
Đối với việc đặt cọc 3 tháng Satraseco cũng cho rằng, nhằm đảm bảo các tiểu thương thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong suốt quá trình thuê. Bởi trong các giao dịch liên quan đến bất động sản thì điều khoản cọc là cần thiết.
Satraseco cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, thực tế nhiều tiểu thương không thanh toán tiền ký quỹ, chậm thanh toán tiền thuê quầy sạp hàng tháng, sử dụng mặt bằng không đúng mục đích thuê, tự ý sang nhượng, lấn chiếm làm khuất tầm nhìn phần lối đi chung… nhưng Satraseco rất thiện chí, chỉ nhắc nhở và chưa có các biện pháp xử phạt nào đối với những vi phạm trên.
Ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco Hanh khẳng định: Công ty Satraseco thực hiện cổ phần hóa 2004, là chủ sở hữu hợp pháp đối với Trung Tâm TMDV Đại Quang Minh, hoàn toàn có quyền quyết định đối với việc cho thuê mặt bằng tại trung tâm này. Các tiểu thương chỉ có quyền sử dụng quầy sạp tại đây thông qua hợp đồng cho thuê quầy sạp được ký kết giữa Công ty Satraseco và tiểu thương. Các quầy sạp, địa điểm kinh doanh tại Trung tâm Đại Quang Minh thuộc quyền sở hữu của Công ty Satraseco mà không phải là tài sản của tiểu thương.
Quan điểm của Công ty Satraseco là vẫn muốn tiếp tục ký kết hợp đồng mới với tiểu thương, nên đã sắp xếp thời gian mời từng người đến họp, để nghe tâm tư nguyện vọng của từng khách hàng, cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến giá thuê cho từng người. Mặc dù không nhận được sự hợp tác của tiểu thương, mời họp lần 1 không được, Công ty tiếp tục gửi thông báo giải thích và mời họp lần 2, gia hạn thời gian đăng ký ký lại hợp đồng mới, áp dụng chính sách giảm 10% trên giá thuê theo thông báo (đồng nghĩa với việc mức tăng so với giá cũ chỉ từ 70-80%).
Thiết nghĩ, điều cần thiết đối với 2 bên lúc này là cùng thiện chí, nêu rõ những khó khăn để tìm tiếng nói chung có lợi đối với cả đôi bên, tránh những kẻ lợi dụng tình hình này để đẩy vụ việc lên mức căng thẳng không đáng có, bôi nhọ hình ảnh không hay về một ngôi chợ truyền thống lâu đời của người dân Sài Gòn.