Tiểu thương liên tục trả sạp do ảnh hưởng dịch bệnh
(DNTO) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù biết Tết là thời điểm kinh doanh tốt của năm nhưng nhiều tiểu thương tại một số chợ sỉ ở TP.HCM như An Đông, An Đông Plaza (quận 5); chợ Tân Bình (quận Tân Bình) đã trả sạp. Hiện, tại những chợ này, số sạp trống, gắn bảng “Cho thuê, sang sạp” khá nhiều.
Chị Thái Trang, người có 4 gian hàng kinh doanh quần áo thời trang tại An Đông Plaza (quận 5) cho biết đã phải đóng cửa toàn bộ gian hàng từ tháng 12/2021. Sở dĩ chị phải “đứt ruột” đóng cùng lúc 4 gian hàng là bởi trung tâm thương mại này chủ yếu bán cho khách tỉnh, lấy hàng sỉ về bán. Thế nhưng TP.HCM rơi vào giai đoạn dịch bệnh kéo dài, phải thực hiện giãn cách liên tục, đến khi thành phố mở cửa trở lại thì các tỉnh miền Tây bùng dịch, thế nên, lượng khách tỉnh gần như không có. Thêm vào đó, nhu cầu mua sắm thời trang của người tiêu dùng giảm rõ rệt, lượng khách sỉ và lẻ giảm 70-80%.
Chị Thái Trang cũng cho biết thêm, việc đóng cửa khiến chị tốn khấu hao 100 triệu/tháng. Ngoài ra, mặc dù đóng cửa từ tháng 12/2021 nhưng hàng tháng, chị vẫn phải chi trả 2,4 triệu đồng/4 gian hàng, bao gồm chi phí quản lý, điện, nước..., giống như tiền thuê người “trông nhà”.
“Tôi ký hợp đồng kinh doanh tại An Đông Plaza với đơn vị sở hữu, mỗi gian hàng 1,3 tỷ trong thời gian 60 tháng. Đóng cửa càng lâu, tiền khấu hao càng nhiều. Tôi tính đóng cửa tới tháng 3/2022, sau đó, nếu căng quá có khi phải trả lại, không thể cầm cự, kinh doanh được nữa”, chị Trang nói thêm.
Chị Điệp, chủ gian hàng E124 tại chợ Tân Bình cho biết, gian hàng của chị để trống từ ngày 1/10/2021 đến nay.
“Tôi không được khỏe, nhà lại neo người nên đã cho thuê 10 năm nay. Ngày 1/10/2021, khi TP.HCM mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội thì tiểu thương kiệt quệ, không kinh doanh nổi nữa, phải trả sạp để về quê. Tôi dán bảng cho thuê từ đó tới nay vẫn chưa thấy ai hỏi”, chị Điệp chia sẻ.
Anh Minh, chủ sạp KH8 tại khu B, chợ Tân Bình cho biết, sạp rộng 16m2 của anh cũng để trống từ hồi tháng 6/2021 tới nay.
“Tiểu thương khó khăn, thấy tình hình kinh doanh ế ẩm nên đã bắt đầu trả sạp từ tháng 6/2021. Giá thuê từ 80 triệu/tháng, nay giảm còn 55 triệu/tháng mà cũng không có ai thuê”, anh Minh nói.
Chị Ngọc Liên, tiểu thương đang kinh doanh quần áo trẻ em tại chợ Tân Bình cho rằng, một trong những lý do khiến không ít tiểu thương tại chợ trả gian hàng, quầy sạp là do khách mua giảm nhiều, cộng thêm việc các thợ may sau những đợt phong tỏa, giãn cách xã hội đã về quê nên không còn thợ để sản xuất.
“Các tiểu thương thường đặt thợ may (quê ở tỉnh), lương tính theo tháng. Nay họ về quê hết. Lại thêm nhân viên bán hàng cũng thiếu. Hàng bán ra ít mà chi phí thì không đủ bù nên nhiều sạp đóng cửa, ít nhất là sau Tết Nguyên đán”, chị Liên nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, tại chợ Tân Bình, An Đông Plaza và chợ An Đông, lượng sạp hàng đóng cửa, dán bảng thông báo “cho thuê, sang nhượng” khá nhiều. Không khí mua sắm những ngày cuối năm thưa vắng. Không còn cảnh tiểu thương ở tỉnh hay tiểu thương chợ lẻ tại TP.HCM lên chợ sỉ lựa hàng nhộn nhịp, hay cảnh đóng từng kiện hàng lớn, nhỏ, tất bật chuyển đi tỉnh như hai, ba năm trước.