Kinh doanh tại chợ truyền thống: Đã khởi sắc
(DNTO) - Sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch Covid-19, hiện nay, hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống ở TP.HCM đã khởi sắc hơn. Những chợ sỉ, chợ thường đón khách du lịch cũng có sinh khí hơn so với trước.
Khôi phục khoảng 50-60%
Chị Thái Trang, chủ của 6 sạp kinh doanh quần áo tại chợ An Đông, phường 9, quận 5, TP.HCM cho biết, từ tháng 10/2021 tới khoảng đầu tháng 3/2022, mặc dù TP.HCM đã mở cửa nhưng tình hình kinh doanh vẫn như đang “ngủ đông”. Từ giữa tháng 3/2022 tới nay, khi Việt Nam chính thức mở cửa đón du khách quốc tế thì không khí kinh doanh có khởi sắc, mức độ phục hồi khoảng 50-60%.
Chị Trang cho biết, lượng khách của chị là khách sỉ tại TP.HCM và các tỉnh. Giai đoạn này đã có những đơn đặt hàng, tuy chưa ổn định. Mặc dù vậy, theo chị Trang, chị “mất” khách rất nhiều.
“Những mối khách sỉ lớn của tôi, có cửa hàng kinh doanh tại các con đường lớn như Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8... đóng cửa không ít; nhiều khách sỉ ở tỉnh cũng thông báo đóng cửa, chuyển nghề nên không lấy hàng nữa”, chị Trang nói.
Anh Minh, nhân viên của một cửa hàng kinh doanh giày dép tại chợ An Đông cũng cho biết, tình hình kinh doanh khoảng hơn một tháng nay đã tươi sáng hơn, lượng khách tại tỉnh đặt hàng cũng ngày một nhiều hơn. Lượng đơn hàng đã trở lại khoảng 35-45% so với khi chưa có dịch.
“Hồi tháng 10/2021, TP.HCM mở cửa, nhưng kéo dài tới hết tết âm lịch hầu như không có khách đặt hàng. Tầm nửa tháng, một tháng trở lại đây, lượng khách đã dần trở lại, các khách ở tỉnh đã liên hệ, đặt hàng”, anh Minh nói.
Trong khi đó, tại chợ Bến Thành, ngôi chợ phần lớn dành cho khách du lịch, không khí mua bán đã nhộn nhịp hơn trước. Người tới tham quan, mua sắm đã giúp xua tan không khí ảm đạm, vắng vẻ của chợ.
Chị Thanh Hoài, kinh doanh thời trang tại chợ cho biết, mặc dù lượng hàng bán ra còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước đây nhưng vậy cũng mừng.
“Người tới tham quan, mua sắm đã nhộn nhịp hơn, thấy không khí bớt nặng nề, có hy vọng, khởi sắc hơn”, chị Hoài chia sẻ.
Tại nhiều chợ truyền thống khác, theo ghi nhận của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, không khí mua bán cũng đã tấp nập hơn trước, nhất là vào các giờ đi chợ buổi sáng và buổi chiều.
Theo một số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gia dụng, thời trang, thực phẩm, sức mua vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn nhưng đã ổn định hơn so với thời điểm căng thẳng của dịch.
Cần có nhiều thay đổi hơn nữa
Chị Thái Trang, chợ An Đông chia sẻ, sau dịch, phương thức kinh doanh cũng có nhiều thay đổi. Thay vì chỉ bán – mua trực tiếp thì nay khách hàng đã đặt hàng qua mạng.
Cụ thể, người bán gửi hình ảnh sản phẩm, giá cả qua Zalo cho khách, nhất là khách ở các tỉnh. Khách xem hàng, chốt đơn hàng, chuyển tiền cọc và người bán sẽ gửi hàng tới tận nơi cho khách.
Tuy nhiên, theo chị Trang, phương thức kinh doanh này cũng có nhiều hạn chế. Đơn cử như do không thể xem hàng trực tiếp, thẩm định trực tiếp sản phẩm nên nhiều đơn hàng chuyển đi rồi phải chuyển ngược trở lại người bán. Khách hàng khi nhận hàng trực tiếp không ưng ý chất liệu, không ưng ý màu sắc, kích cỡ... Chi phí giao dịch, vì vậy cũng tăng lên.
Đồng tình, anh Minh, kinh doanh giày dép cũng cho biết, có những đơn hàng sau khi chốt đơn qua Facebook, Zalo gửi đi tỉnh thất lạc, người bán – người mua phải cùng chia sẻ thiệt hại.
Chị Thái Trang cho rằng, sở dĩ hiện nay, chị cũng như nhiều tiểu thương tại chợ An Đông vẫn duy trì được sạp kinh doanh là bởi chi phí cho một sạp hàng tại đây không quá lớn, người kinh doanh không tốn tiền thuê mặt bằng hàng tháng.
“Hiện nay chi phí nguyên, phụ liệu đã tăng chóng mặt nhưng người sản xuất, người bán như tôi không dám tăng giá bán. Nên rất cần nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, từ thành phố. Tôi cũng đã phải đóng 4 sạp kinh doanh tại Trung tâm An Đông (An Đông Plaza) do chi phí mặt bằng quá cao”, chị Trang nói thêm.
Bà Hồng Loan, kinh doanh thực phẩm tại chợ Phạm Văn Hai cho biết, một trong những lý do khiến chợ truyền thống vắng khách trong thời gian dài vừa qua là do chợ tự phát mọc ra xung quanh chợ hoạt động quá sôi nổi. Theo đó, bà mong muốn cơ quan chức năng, ban quản lý chợ giải tỏa chợ tự phát.
Hiện nay, Sở Công thương TP.HCM đang có những buổi họp, lắng nghe đề xuất của các đơn vị để có những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và các địa phương về việc xử lý chợ tự phát.