Marco Kranz, Huệ và khu vườn dâu tây hữu cơ ngọt ngào
(DNTO) - Một chàng trai IT người Đức, một cô gái người Việt Nam yêu nông nghiệp, họ gặp nhau qua Internet, yêu, rồi một em bé kháu khỉnh cùng khu vườn nhỏ dâu tây canh tác theo hướng hữu cơ ra đời, cho trái ngọt tại Đà Lạt.
Gia đình là khởi nguồn của ước mơ làm nông nghiệp hữu cơ
Một buổi sáng thứ Bảy, tháng Tư, trời Sài Gòn trời nắng nóng nhưng câu chuyện của Marco Kranz và Trần Thị Huệ, cậu con trai nhỏ của họ, cùng một vườn dâu tây hữu cơ tại Chương trình “Gặp gỡ nông dân, thêm yêu sản phẩm” của Organica đã đem lại cho người dự khán cảm giác dịu mát, và đặc biệt, ngọt ngào.
Huệ là cô gái người Vũng Tàu nhưng đã có 15 năm gắn bó với Đà Lạt, chuyên tư vấn nông nghiệp cho các công ty hạt giống của Hà Lan tại đây. Huệ đã gặp được Marco - chàng trai IT người Đức có cùng niềm đam mê nông nghiệp không phải theo cách thông thường mà gặp, yêu nhau từ một app hẹn hò.
Tình yêu tới và lớn dần, khiến họ quyết định đến với nhau và cùng về Đà Lạt để xây dựng tổ ấm. Mơ ước về một khu vườn hữu cơ, mà bắt đầu là khu vườn dâu tây bấy lâu vẫn ấp ủ trong Huệ cứ lớn dần, lớn dần. Covid-19 khiến họ quyết định hiện thực hóa ước mơ ấy.
Theo chị Huệ, nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là ngành rất nhiều tiềm năng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm, muốn được sử dụng các sản phẩm xanh – sạch, nhất là sau đại dịch Covid-19. Điều đó khiến vợ chồng chị chọn con đường sản xuất sản phẩm hữu cơ. Nhưng lý do và động lực chính xuất phát từ những điều rất riêng tư và gắn với gia đình.
“Khi có bầu, tôi thật sự cần những sản phẩm sạch đúng nghĩa. Tôi cũng mong muốn con mình khi chào đời sẽ được ăn những sản phẩm sạch. Nhiều người hỏi tại sao vợ chồng tôi lại chọn Việt Nam để làm nông nghiệp hữu cơ mà không phải trở lại nước Đức. Nhiều lý do lắm, trong đó có lý do Marco rất thích Việt Nam, anh bảo, Việt Nam thật giống nước Ý – quê ngoại của anh những năm trước đây.
Rồi nhiều người lại hỏi tôi sao lại chọn dâu tây để trồng trọt. Bởi vì tôi rất thích dâu tây. Tôi xuất thân là người hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cho nông dân, biết về quy trình trồng trọt nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhưng với dâu, tôi chưa bao giờ được trải nghiệm, theo đó, tôi chọn nó để thử thách bản thân trong kỹ thuật.
Và một lý do nữa khiến tôi chọn dâu tây để trồng là bởi, mặc dù ở Đà Lạt 15 năm nhưng tôi không tự tin mua dâu ngoài chợ. Tôi muốn được ăn trái dâu tây cho chính tay mình trồng”, chị Huệ tâm sự.
Dùng thiên địch để kiểm soát sâu bệnh
Vợ chồng chị Huệ thuê một mảnh vườn của người nông dân tại Đà Lạt và bắt đầu xây đắp ước mơ với khu vườn MaxOrganic vào tháng 8/2021. Tháng 11/2021 chị trồng những cây dâu đầu tiên và giữa tháng 12/2021, những quả dâu đầu tiên đã được thu hoạch.
Chị bảo, may mắn là mảnh vườn – trước đây vốn trồng hoa, nhưng do dịch Covid-19, hoa không bán được nên người chủ cũ đã bỏ trống cả nửa năm, những cây còn lại bỏ hoang đã hút phần nào những chất hóa học trong đất.
Khu vườn với tổng diện tích 2500m2, trong đó có 1000m2 trồng dâu tây, ở thời điểm bắt tay gầy dựng và hiện tại, được vợ chồng chị Huệ gọi là sản xuất theo hướng hữu cơ. Chị gọi như vậy, để “chờ” đất, “chờ” nước phục hồi. Nhưng từ cây giống tới quy trình trồng thì chị đã và đang áp dụng phương pháp hoàn toàn hữu cơ. Giống dâu mà chị chọn là giống dâu ngọt Hana của Nhật Bản. Giống được chị mua từ một vườn giống tại Mộc Châu. Một người Nhật đã mang giống này sang Mộc Châu để ươm trồng.
Huệ rành về cây trồng, biết làm sao để cây sinh trưởng và phát triển..., còn Marco thì chỉ rành về IT. Họ bổ trợ cho nhau. Vợ có “thông số” của cây; đưa cho chồng; chồng dùng chuyên môn IT để thiết kế, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và tạo nên một khu vườn hoàn toàn tự động hóa.
Marco đã sáng tạo, ứng dụng việc kiểm soát tưới, đo độ ẩm trong nhà màng, điều chỉnh độ ẩm trong đất... qua hệ thống tự động. Điều này giúp việc trồng trọt hiện đại, đỡ tốn thời gian, nhân lực hơn rất nhiều. Marco cũng đã nghiên cứu và lắp đặt thành công hệ thống ống ngầm để thu gom nước mưa, nước tưới dư thừa cho chảy vào hệ thống chung của khu vực, vừa không lãng phí nước, giữ cho vườn khô ráo, không bị trũng ướt và đất vườn không bị ảnh hưởng của nước thải từ các khu vực ngoài vườn.
Chị Huệ nói, dâu ngọt nên hấp dẫn côn trùng, sâu bệnh nên vợ chồng chị dùng thiên địch để kiểm soát.
“Thiên địch là cách các cụ ta xưa thường làm, dùng những con côn trùng trong tự nhiên để tiêu diệt sâu bệnh. Hiện nay các nhà khoa học đã nhân giống các loại thiên địch để bán cho người nông dân, mình dùng chúng thả trong vườn và chúng ăn côn trùng. Ví dụ, con nhện ăn con bọ trĩ, hay con bọ rùa sẽ ăn con rầy mềm, ấu trùng con bọ rùa cũng ăn con rầy mềm... Với nấm bệnh, do dùng thiên địch nên không được phun bất kỳ loại thuốc nào, dù có trong danh mục cho phép, thế nên hiện tại tôi phun định kỳ nấm đối kháng”, chị Huệ kể.
Chị Huệ cho biết, tùy mùa, tùy thời tiết, hiện nay, ngày cao nhất vườn thu hoạch 40-50kg dâu. Giống dâu Hana này có vị ngọt thanh, ăn rất ngon, 10 ngày trước đã có kết quả test từ Hà Lan, đạt 800 tiêu chuẩn của sản phẩm hữu cơ châu Âu. Nhưng nhược điểm là khi chín rất mềm và điều này thử thách quá trình bảo quản, vận chuyển.
Ngoài dâu tây, MaxOrganic đang sản xuất ớt chuông, củ cải đỏ, Parsley (rau mùi tây xuất xứ từ Ý), tần ô. Sắp tới mở rộng vườn và sẽ trồng cà rốt baby.
Sắp tới MaxOrganic kết hợp với một đối tác có quỹ đất phát triển trang trại lớn và quy mô hơn. Ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Bảo quản sau thu hoạch tăng thời gian, chất lượng sản phẩm.
Khó khăn là động lực
Trần Thị Huệ nói, làm nông nghiệp hữu cơ nói chung và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nói riêng rất khó, vì ngoài việc cần nắm bắt chi tiết về kỹ thuật trồng trọt thì cần hiểu rõ về quy trình sản xuất hữu cơ và các sản phẩm phân bón và chế phẩm dùng trong sản xuất hữu cơ.
Khó khăn còn là môi trường xung quanh rất nhiều người trồng hoá học, do đó, môi trường và cả công nhân đều chưa hiểu rõ, phải dành thời gian hướng dẫn giải thích tỉ mỉ cho họ về sản xuất hữu cơ.
Nhưng Trần Thị Huệ cũng nói, khó khăn nhưng đầy thú vị. Mặc dù cô gái yêu Đà Lạt đã làm nông nghiệp, gắn bó với nông nghiệp 15 năm nhưng những kiến thức có được trong 8 tháng làm nông nghiệp hữu cơ rất thú vị.
“Mỗi ngày, khi khám phá và học được một điều mới về kỹ thuật trong sản xuất hữu cơ lại như một liều thuốc kích thích làm cho vợ chồng tôi cảm thấy rất có động lực. Mỗi khi nghe những phản hồi từ người tiêu dùng cũng khiến tôi rất vui vì sản phẩm mình trồng ra được họ đón nhận và phản hồi, giúp tôi biết để cải thiện những cái chưa được”, chị Huệ nói.
Chuỗi sự kiện Gặp gỡ nông dân của Organica là hoạt động mà Hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica đã ấp ủ từ lâu. Tại sự kiện, Organica sẽ lần lượt mời những người nông dân mà Organica đang hợp tác, hỗ trợ, đồng hành để canh tác hữu cơ trên nhiều vùng miền của Việt Nam đến gặp gỡ và giao lưu với khách hàng. Tại đây, khách hàng sẽ được lắng nghe người nông dân trực tiếp làm ra những ngọn rau, hạt lúa, con cá, con tôm, quả cam, quả chuối… kể lại hành trình chuyển từ canh tác tiện lợi sang canh tác hữu cơ. Những khó khăn gặp phải trong con đường làm nông sản sạch, việc tiếp cận thị trường, làm thế nào để tuân thủ các quy định khắt khe về chuẩn sạch và chuẩn hữu cơ.
Chương trình “Gặp gỡ nông dân, thêm yêu sản phẩm” đầu tiên đã diễn ra vào ngày 12/12/2020 với sự góp mặt của các nông dân trồng cam đến từ Nghệ An, trang trại rau hữu cơ đến từ Long Thành. Lần gặp gỡ thứ 2 này dành cho nông dân – cặp vợ chồng Marco Kranz – Trần Thị Huệ đến từ khu vườn trồng dâu tây canh tác hữu cơ đã diễn ra vào ngày 16/4/2022.