'Ma trận' yến sào
(DNTO) - Sau Covid-19, nhiều người tiêu dùng lựa chọn yến sào làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, khiến giá mặt hàng này tăng cao, thậm chí không ít người bán cho biết xảy ra tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này vẫn còn là băn khoăn đối với người tiêu dùng.
Giá nào cũng có
Theo ghi nhận tại thị trường, từ khoảng tháng 10/2021 trở lại đây, nhất là trong khoảng từ tháng 1/2022 tới nay, giá yến sào các loại tăng khoảng 10-20% so với trước khi dịch xảy ra.
Theo đó, hiện tại, giá yến sào, tùy nguồn gốc, chủng loại, tùy nơi bán có giá từ khoảng 900.000 đồng tới khoảng 30 triệu đồng/100gr.
Yến sào, hiện được bán tại không chỉ các cửa hàng lớn, nhỏ, có thương hiệu trên các con đường mà còn được bán rầm rộ trên các mạng xã hội, các trang thương mại điện tử; tại một số chợ, trung tâm thương mại. Và giá thì mức nào cũng có.
Chợ Bình Tây (quận 6) và Trung tâm thương mại An Đông, quận 5, TP.HCM là hai chợ/trung tâm thương mại lớn kinh doanh nhiều mặt hàng này.
Chủ cửa hàng Liên Phát tại Trung tâm thương mại An Đông cho biết Liên, cửa hàng chỉ bán yến nuôi, xuất xứ từ Kiên Giang. Yến tinh chế, rút sợi giá từ 3,2 triệu đồng tới 4,5 triệu đồng/100gr tùy vào yến già hay yến non; yến vụn hay yến nguyên tổ. Yến còn lông, chưa tinh chế có giá 3,2 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/100gr.
Theo chủ cửa hàng này, hiện nay, gần như không còn yến tự nhiên, chỉ còn yến nuôi. Chị cũng giải thích, sở dĩ giá nào cũng có thể mua yến là bởi nguồn gốc khác nhau; là bởi yến tổ hay yến vụn...
Cách đó vài cửa hàng, cửa hàng của Bà Tư Nem, chuyên bán yến từ Khánh Hòa, giá yến nuôi, loại vụn có giá 2,5 triệu đồng/100gr; yến tự nhiên, loại già, sậm màu hơn có 3,5 triệu đồng/100gr, loại non, màu trắng giá 3 triệu đồng/100gr, yến huyết giá 6,2 triệu đồng/100gr...
Trong khi đó, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa niêm yết giá yến huyết đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa hộp 100gr 24.840.000 đồng, yến hồng đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa hộp 100gr giá 18.900.000 đồng; hay trên một trang mạng xã hội giá 100gr 10 tai yến là 899.000 đồng, 2 hộp giá 1.599.000 đồng tặng kèm táo đỏ, đường phèn.
Chị Minh Hồng, đường Âu Cơ, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, sau Covid-19, chị có nhu cầu mua yến tẩm bổ cho gia đình gồm cha mẹ già và con nhỏ, nhưng tham khảo một vài nơi từ cửa hàng, tới facebook rồi sàn thương mại điện tử, thậm chí ra cả chợ thì chị không biết phải mua loại nào, không biết loại nào là chất lượng, giá cả đúng với chất lượng.
“Tôi bối rối, không biết lựa chọn sao cho đúng. Cuối cùng, qua một người bạn giới thiệu, tôi mua yến nuôi tại Kiên Giang của một gia đình. Giá yến nuôi, chưa rút lông 2,2 – 2,5 triệu đồng/100gr tùy thời điểm hút hàng hay không. Nếu mua loại đã rút lông thì họ tính thêm 500.000 đồng tiền công”, chị Minh Hồng kể.
Chị Nguyễn Linh, quận 4, TP.HCM, một người bán yến chủ yếu cho bạn bè, người thân cho biết, gia đình nhà chồng chị có nhà nuôi yến tại Mỹ Tho, Tiền Giang vài năm nay.
Theo chị Linh, thực tế, yến nuôi hay yến tự nhiên thì con người cũng hầu như không thể tác động tới quá trình tìm tới, làm tổ của chim yến. Với phương pháp nuôi, gia đình chị làm nhà yến và người ta thường nói, cũng là may mắn nên chim yến tới làm tổ.
Cũng theo chị Linh, yến sào có nhiều mức giá. Mức giá này phụ thuộc vào nguồn gốc, chất lượng, hình thức của yến. Trong đó, phải kể tới thực tế trên thị trường có một nguồn yến được nhập từ Indonesia, Malaysia với giá dưới 2 triệu đồng/100gr rồi gắn mác yến Việt Nam để bán giá cao.
Ngoài ra, trong quá trình tinh sơ chế yến sẽ có một lượng nhất định yến vụn dơ và một số địa điểm kinh doanh mua lại yến vụn dơ, rồi dùng chất tẩy để ngâm, tẩy trắng, trộn thêm thành phần khác, tạo thành tổ yến như thông thường rồi bán với giá gần bằng giá yến tổ.
Cẩn trọng khi sử dụng
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM cho biết, giá trị dinh dưỡng của yến tự nhiên (yến khai thác ở đảo) và yến nuôi tương đương nhau. Sự khác biệt về chất lượng của chúng là sự hiện diện của một số chất không có lợi cho sức khỏe hoặc thậm chí độc hại từ môi trường nuôi lây nhiễm vào. Yến đảo do môi trường sống trong lành, không bị ô nhiễm nên sản phẩm đảm bảo an toàn. Còn yến nuôi do môi trường nuôi gần thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp nên dễ bị nhiễm các kim loại năng, các khí thải từ khói xe, khu công nghiệp, bãi xử lý rác thải… các chất này nhiễm vào trong các côn trùng là mồi ăn của chim yến và từ đó nhiểm vào trong tổ yến, hoặc có thể nhiễm trức tiếp từ không khí vào trong tổ yến.
Cũng theo ông Đồng, rất khó để phân biệt giữa yến đảo và yến nuôi bằng mắt thường. Chỉ có thể dựa vào một số thành phần hóa học qua các phép phân tích hiện đại mới có thể xác định.
Đặc biệt, ông Đồng lưu ý, do giá cao nên một số nơi đã pha trộn nhiều chất khác vào trong tổ yến để tăng lợi nhuận. Yến giả là yến được pha trộn thêm các thành phần từ nấm Tremella, gum karaya, bì (da heo), lòng trắng trứng, gelatin, protein đậu nành, tinh bột, thạch rau cau, bong bóng cá… bằng các biện pháp nhuộm, tẩy trắng, tạo keo kết dính…
Trong khi đó, hầu hết hết các phương pháp có độ tin cậy để phân biệt giữa yến thật và yến giả là các phương pháp phân tích hóa học và sinh học trong các phòng thí nghiệm. Cho đến nay chưa có phương pháp chính thức nào được thiết lập để giám sát chất lượng các sản phẩm yến sào.
Theo kinh nghiệm, có thể nhận biết yến giả hoặc yến đã qua xử lý bằng độ sáng bóng của sợi yến. Sợi yến chưa qua xử lý sẽ không có độ sáng bóng. Ngoài ra sợi yến giả sẽ bị mềm đi trong không khí ẩm ướt. Một cách khác để phân biệt là khi đốt sợi yến giả trên ngọn lửa sẽ phát ra tiếng nổ lách tách là tia lửa nhỏ, còn yến thật thì không.
Theo đó, người tiêu dùng, khi mua nên tìm nơi uy tín để tránh mua phải hàng kém chất lượng.