Việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm sản xuất thủ công: Khó thực hiện
(DNTO) - Ngày 4/4 vừa qua, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đã đề xuất chậm nhất đến ngày 1/1/2025, sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng và người sản xuất thủ công, việc ghi nhãn dinh dưỡng này khó mà thực hiện được.
Chi phí phân tích thành phần dinh dưỡng cao
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM cho biết, trước tiên cần có quy định cụ thể về “thực phẩm sản xuất thủ công”. Nếu buộc các sản phẩm ghi nhãn dinh dưỡng thì có thể hiểu là những sản phẩm có thương hiệu, có nhãn hàng nhưng không được sản xuất trên các dây chuyền thiết bị công nghiệp.
Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm thực phẩm sản xuất thủ công, đặc biệt là các thực phẩm truyền thống như giò chả, nem..., các loại bánh truyền thống như bánh bao, bánh giò... đôi khi có thương hiệu nhưng không có nhãn hàng.
Ngoài ra, phải kể tới những sản phẩm thủ công khác được gọi là “nhà làm”. Những sản phẩm này đôi khi không có thương hiệu, không có nhãn hàng. Hiện tại và có thể trong vòng 3 năm tới các trường hợp sản phẩm thủ công không có nhãn hàng chiếm một tỷ lệ không nhỏ và việc ghi nhãn dinh dưỡng có thể cho là khó thực hiện.
Ông Phan Thế Đồng phân tích, đối với quá trình sản xuất thủ công, các nguyên liệu đầu vào không được chuẩn hóa, quy trình sản xuất không được chuẩn hóa do vậy sản phẩm làm ra khó có thể tránh được những biến động về thành phần dinh dưỡng. Vậy đã có quy định nào về mức biến động cho phép của các thành phần dinh dưỡng trên một nhãn hàng hay chưa?
Đối với các nhà sản xuất thực phẩm thủ công, khi nghe nói đến quy định ghi nhãn dinh dưỡng, câu hỏi đầu tiên đặt ra là “làm sao biết được thông tin dinh dưỡng của sản phẩm mình làm ra”. Tất nhiên, họ không thể tự mình phân tích được thành phần dinh dưỡng của sản phẩm vì thế phải mang đến các trung tâm dịch vụ phân tích đã được kiểm định và được công nhận để xác định. Sau khi có kết quả phân tích, nhà sản xuất phải dựa trên thành phần dinh dưỡng để tính toán năng lượng.
Việc phân tích thành phần dinh dưỡng và tính toán năng lượng này, chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho người sản xuất nhỏ lẻ khi mà kiến thức dinh dưỡng còn chưa được trang bị. Đặc biệt, khiến họ phải tốn thêm khoản chi phí không nhỏ.
Mặt khác, theo ông Phan Thế Đồng, mục đích của ghi nhãn dinh dưỡng là để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sản phẩm; giúp người tiêu dùng dễ ước lượng được mức tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng một cách tương đối chế độ dinh dưỡng của bản thân. Vì vậy, lượng chất dinh dưỡng trên nhãn hàng phải được tính theo “khẩu phần” (serving) của sản phẩm.
Ví dụ như một khẩu phần bánh có thể là 4 chiếc bánh nhỏ, có thể là một cốc 250ml nước ngọt... Đối với người tiêu dùng, thông tin dinh dưỡng chỉ có ích khi họ được trang bị các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng để hiểu được nhu cầu dinh dưỡng và chế độ dinh dưỡng của bản thân mình, từ đó mới có thể biết được sản phẩm họ tiêu dùng đã đáp ứng được bao nhiêu cho nhu cầu và ước lượng số “khẩu phần” sản phẩm mình tiêu dùng cho phù hợp.
Nhưng hiện tại và trong tương lai gần, khi chưa có những chương trình dinh dưỡng được phổ cập đến người dân thì việc ghi nhãn dinh dưỡng có thể sẽ mang lại rất ít hiệu quả trong việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như mục tiêu được đặt ra.
Khó thực hiện với người sản xuất nhỏ lẻ
Chị Phan Thùy Trang, người có thâm niên gần 10 năm làm bánh trung thu bán cho bạn bè, người quen tại TP.HCM cho biết, dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm của Bộ Y tế rất khó để những người sản xuất nhỏ lẻ, thủ công như chị thực hiện.
Cụ thể, theo chị Thùy Trang, nếu ghi thành phần, xuất xứ thì chị có thể thực hiện bởi chị biết mình sử dụng nguyên liệu gì, xuất xứ ở đâu. Tuy nhiên, chị không phải là chuyên gia dinh dưỡng nên không thể tính được lượng calo, chất đạm, cacbohydrate, đường tổng số, chất béo, chất béo... để từ đó ghi lên nhãn sản phẩm. Nếu muốn ghi nhãn dinh dưỡng với đầy đủ các thông tin mà Bộ Y tế nêu, chắc chắn chị phải mang sản phẩm tới các trung tâm kiểm định để phân tích. Mà chắc chắn khi đó, chi phí đội lên rất cao. Trong khi chị sản xuất theo mô hình gia đình, không có xưởng hay cửa hàng, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bán cho bạn bè, người quen.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP.HCM thông tin, để có bảng thành phần dinh dưỡng dán trên mỗi sản phẩm, doanh nghiệp cần đem sản phẩm đến trung tâm kiểm nghiệm có thẩm quyền để kiểm tra và cho bảng giá trị dinh dưỡng. Và chi phí này không hề rẻ.
Cũng theo vị này, với những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, có quy mô hoạt động từ vừa tới lớn trở lên thì việc ghi nhãn dinh dưỡng là việc bắt buộc phải làm và cũng không gây quá khó khăn. Tuy nhiên, theo dự thảo, việc dán nhãn dinh dưỡng sẽ áp dụng cho các sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công – có thể bao gồm cả những sản phẩm “homemade – nhà làm”. Trong khi hiện tại và có thể trong thời gian tới, sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công này vẫn chủ yếu do hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hay người sản xuất kinh doanh nhỏ. Theo đó, việc thực hiện cũng sẽ không đơn giản.
Việc kiểm tra tính xác thực của thông tin dinh dưỡng trên nhãn sẽ được thực hiện như thế nào?
Có thể lấy mẫu tất cả sản phẩm sản xuất thủ công trên thị trường mang đi phân tích và tính toán để kiểm tra tính xác thực của thông tin hay không?
Người sản xuất có thể không thực hiện phân tích thành phần dinh dưỡng của sản phẩm họ làm ra nhưng có thể dựa trên thông tin của sản phẩm công nghiệp cùng chủng loại để làm thông tin ghi trên nhãn hàng của mình nhằm đối phó với quy định này thì làm thế nào phát hiện được?
Ngoài ra, những thực phẩm sản xuất thủ công có hoặc không có nhãn hàng được kinh doanh trên các trang mạng, việc kiểm tra nhãn dinh dưỡng sẽ thực hiện như thế nào?
Tiến sĩ Phan Thế Đồng