Chuyên gia nói Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số trong 2025 nếu làm được việc này
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 7,06% và năm 2025 thậm chí cao hơn nếu giải quyết những khó khăn nội tại của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy đầu tư công.
Cơ hội tăng trưởng từ chính sách gỡ khó
Tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội" ngày 12/12, Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7,04%, là mốc cao nhất trong khu vực ASEAN theo dự báo của IMF mới đây. Đặc biệt, việc Việt Nam là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của ta.
Nhận định về sự biến chuyển tích cực của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, theo ông Barry Weiblatt David, Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và những điều hành rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước thì trong thời gian ngắn.
Vị này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, nếu giải ngân đầu tư công có thể đạt 100%, mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, thậm chí 9%. "Để đạt kết quả trên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp", ông Barry Weiblatt David khuyến nghị.
Phó Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng tăng trưởng GDP năm 2025 có thể lên tới 8%, thậm chí có thể lên đến 2 con số nếu theo đuổi quyết liệt các mục tiêu.
Cụ thể, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng trưởng tốt hơn. Tình hình thu hút FDI và xuất khẩu vẫn là điểm sáng; cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng. Đường điện cao thế 500kV mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô. Hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp tiếp tục diễn ra mạnh mẽ…
Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.
"Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm ở việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không phải là điều khó khăn”, ông Khôi nhấn mạnh.
Những biến số mới
Tuy nhiên, lãnh đạo viện CIEM cho biết Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Trong đó điểm yếu quan trọng là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng vai trò lớn trong tăng trưởng, trong khi các địa phương kinh tế đầu tàu (TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng GDP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương này đã đạt tới mức phát triển tối đa, trong khi các tỉnh thành khác đang dần vươn lên.
Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công.
Phân tích thêm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 4 "biến số" chính từ bên trong và bên ngoài có thể tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Thứ nhất, về tỷ giá, đồng USD tăng mạnh trong thời gian qua kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng. Dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
Thứ hai, về ngoại thương, theo TS Hiếu, dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn. Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ, phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ nên sẽ bất lợi từ chính sách bảo hộ mậu dịch của ông.
"Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước", ông Hiếu lưu ý.
Thứ ba là tình hình địa chính trị thế giới với các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Việt Nam có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Thứ tư, nội tại của nền kinh tế khi năng lực của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn.
“Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn”, ông Hiếu nhận định.