Chuyên gia: Tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP
(DNTO) - "Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu 670.000 tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định.
'GDP sẽ vượt 6% khi vốn chảy vào sản xuất kinh doanh'
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 31/10 lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Hiện các ngân hàng đang triển khai loạt gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Để tăng khả năng thẩm thấu vốn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ VPBanks, NHNN đã nới room tín dụng cho các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu được cấp, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Chính sách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giành room tín dụng và thị phần, dẫn đến xu hướng lãi suất ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay.
Về nguồn cung tín dụng, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Nhà điều hành đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với KPI tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng khoảng 10,08% - con số này cao hơn so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sẽ có gần 670.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế 2 tháng cuối năm nay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: Vốn là "mạch máu" của nền kinh tế vì vậy một trong những đột phá được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 là việc đẩy tiền ra nền kinh tế.
"Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải hợp lý và không nên đánh đổi bằng mọi giá, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát. Nếu 670.000 tỷ đồng chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%", ông Huân kỳ vọng.
Kỳ vọng gì ở tăng trưởng tín dụng quý IV?
Giới phân tích cho rằng, tín dụng sẽ tăng mạnh trong quý IV/2024, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, bất động sản và tiêu dùng nội địa. Các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm, từ đó đẩy mạnh hoạt động vay vốn.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, quý IV sẽ là giai đoạn "bùng nổ" về tín dụng khi nhu cầu vay vốn bật tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất và bất động sản. Đồng thời cho rằng, mỗi nhóm ngân hàng đều có những thuận lợi và khó khăn riêng trong cuộc đua tăng trưởng cho quí còn lại của năm.
Cụ thể, đối với nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp: Nhóm này đã đạt mức tăng trưởng khá cao và có những kế hoạch giải ngân khá tốt cho các nhóm ngành nghề mục tiêu, tuy nhiên dư địa room tăng thêm không còn nhiều. Nhiều khả năng NHNN cần phải cấp thêm room tín dụng cho nhóm ngân hàng này trong 2 tháng cuối năm thì mới có thể duy trì nhịp tăng trưởng.
Đối với nhóm chuyên cho vay cá nhân: Kỳ vọng cao sẽ nằm ở nhóm này, nơi dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn rất lớn so với room được cấp và đặc biệt là nhóm ngân hàng này đã bắt đầu chuyển dịch mạnh sang phân nhóm cho vay doanh nghiệp và đã có đà tăng trưởng tốt trong quý 3.
Đối với nhóm gốc nhà nước: Nhóm này nhiều khả năng sẽ duy trì chiến lược tăng trưởng thận trọng và phải cân bằng với mức sinh lời khi việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua đã khiến nhóm này sụt giảm mức NIM rất đáng kể. Khả năng nhóm này chỉ có thể tăng trưởng ở mức 12-14%.
Đối với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ: Động lực lớn nhất hiện nay có thể nằm ở nhóm ngân hàng này, tuy nhiên đây cũng là một nguồn rủi ro cần được kiểm soát. Việc mở rộng tín dụng nhanh chóng trong nhóm này có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn, nhưng cũng đòi hỏi sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn trong giai đoạn cuối năm.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay có thể đang quá cao, tuy nhiên mức 13,5-14% thì vẫn có thể đạt được. Quan trọng nhất là dòng vốn tín dụng cần đi vào các hoạt động kinh tế thực. Điều đáng mừng là cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi.
“Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi và bứt phá mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, chuyên gia MBS Research nhận định.