Chuyên gia cho rằng lạm phát không đáng lo kể cả có xảy ra chiến tranh Trung Đông
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng dù kinh tế chính trị thế giới đang ngày càng bất ổn nhưng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.
Tại Hội thảo: "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" sáng 18/10, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE, cho rằng nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới.
Các cuộc chiến tranh diễn ra ngay giữa lòng châu Âu, Trung Đông và xung đột cục bộ diễn ra tại nhiều nơi khác đã leo thang đến mức các phương tiện truyền thông đại chúng đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, chiến tranh thế giới thứ ba. Điều này khiến các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy lạc quan, thậm chí đã có những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vỡ "bong bóng chứng khoán" trong một tương lai gần.
Trước tình hình như vậy, ông Tuấn cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Điều này thể hiện ở các số liệu như GDP 3 quý đầu năm tăng 6,82%. Chính phủ đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023.
Xuất khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai, Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản bắt đầu có hiệu lực…
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập niên này ở cả thế giới và Việt Nam đang chậm lại. Tăng trưởng khoảng 2,5-2,6%, thấp hơn giai đoạn trước là 3,3-3,5%. Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điểm đáng ghi nhận khi thu nhập bình quân đầu người trước và sau đại dịch Covid của Việt Nam nằm trong top 3 phục hồi tốt sau dịch bệnh (cùng với Trung Quốc), với con số đạt khoảng 20%.
“Về yếu tố lạm phát, tôi nghĩ không đáng lo kể cả chiến tranh Trung Đông diễn ra. Minh chứng là giá năng lượng vẫn giữ ở mức 70-75 USD/thùng. Tác động rủi ro địa chính trị với mức độ ảnh hưởng tương đối cao, số liệu cho thấy tháng 10 năm nay tương tự cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, mức độ phục hồi của một số nước chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc và EU”, ông Lực cho biết.
Phân tích về thách thức, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Trong nước, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục chậm hơn dự kiến tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân.
“Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhận định.
Để gia tăng nội lực của nền kinh tế, chống chịu tốt trước những biến động của kinh tế - chính trị toàn cầu, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng cần hỗ trợ nâng cao nội lực của các doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp chỉ cần Chính phủ đồng hành, hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường thông qua công cụ chính sách.
“Lấy ví dụ như thị trường địa ốc đang gặp nhiều khó khăn cả về cung cầu, Chính phủ nỗ lực thì có thể giải quyết được các vấn đề. Hay Điều 40 Luật Xuất nhập cảnh cần phải làm rõ khái niệm cưỡng chế thuế”, ông Cung nhấn mạnh.