Chưa thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu
(DNTO) - Khi cơ cấu thuế, phí chiếm khoảng 40% trong giá thành các mặt hàng xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây không phải là mặt hàng xa xỉ. Tuy vậy, với tính chất đặc thù của xăng dầu, theo một số chuyên gia, nên cân nhắc giảm chứ chưa thể bỏ loại thuế này.
Hiện nay, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế: thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 - 4.000 đồng/lít).
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao từ 40-60% đã gây áp lực rất lớn cho một quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu (40-50%) như Việt Nam. Xăng dầu tăng cao gây áp lực cho phục hồi kinh tế, hoạt động doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Để giảm giá xăng dầu nhằm giảm áp lực lạm phát, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Mức điều chỉnh áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022.
Tuy vậy, các dự báo đều chỉ ra rằng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022 sẽ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp theo xu hướng tăng. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, vì đây là loại hàng hóa thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù xăng dầu không phải là loại hàng hóa xa xỉ nhưng vẫn được xác định là loại hàng hóa “đặc biệt” vì nó là loại hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trong khi đó, tính chất của xăng dầu là loại tài nguyên không thể tái tạo, mất đi trong tiêu dùng. Đặc biệt quá trình sử dụng xăng dầu cũng ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng hành vi tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh sạch theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, hiện chưa thể bỏ hoàn toàn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu.
Tuy nhiên, theo ông Thỏa, về lâu dài, vào thời điểm thích hợp, các cơ quan quản lý vẫn có thể linh hoạt trong việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường một cách phù hợp, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng mối quan hệ giữa hai loại thuế trên.
“Trong thời điểm giá tăng cao gây bất lợi cho nền kinh tế, cần chấp nhận đánh đổi việc giảm thu ngân sách, trong đó có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng dầu, nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bù lại nguồn thu ở khâu đầu ra cuối cùng của nền kinh tế”, ông Thỏa cho hay.
Cũng theo một số chuyên gia, trong bối cảnh chưa có nguồn năng lượng sạch thay thế hữu hiệu xăng dầu, việc giảm hay bỏ ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cần cân nhắc kĩ lưỡng, để người dân vẫn có ý thức tiết kiệm nhiên liệu nhưng không làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất.
Đặc biệt, để tránh ảnh hưởng đến việc thu ngân sách, theo các chuyên gia, Luật thuế tiêu thụ cũng cần được điều chỉnh bởi hiện nay, một số mặt hàng từng được coi là xa xỉ đang trở thành thiết yếu, trong khi một số mặt hàng cao cấp mới chưa bị đánh thuế. Vì vậy, cần phân loại lại các nhóm hàng để có chủ trương điều tiết cho phù hợp.